Chuyên gia nói thẳng về nguy cơ trốn thuế, rửa tiền trong giao dịch vàng
"Khi người mua vàng không muốn công khai thông tin cá nhân hay số lượng vàng muốn mua nhưng vẫn thích mua vàng thì rõ ràng đang có những ý đồ bất chính", Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) nhấn mạnh tại Tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" ngày 8/7.
Theo ông Phụng, trong thời gian vừa qua, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, nhiều vụ đại án đã được tìm ra thông qua những giao dịch bằng tiền qua tài khoản ngân hàng. Nếu mua vàng bằng tiền mặt lại không có hóa đơn, chứng từ, không có bút tích truy vết thì sẽ trở thành một hướng tiếp cận mới cho các hành vi bất minh, bất hợp pháp, ẩn nấp đằng sau những người đang xếp hàng mua vàng thay. Nói cách khác, chính những hành động "tưởng chừng như đang làm thuê cho người khác" như xếp hàng mua vàng hộ đang tiếp tay cho những hoạt động phi pháp.
"Tôi cho rằng, khi quản lý tốt thị trường vàng cũng góp phần làm phòng, chống nền kinh tế ngầm, chống giao dịch bất hợp pháp, chống rửa tiền,… Phải ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua để làm điều này", Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) nhấn mạnh.
Đề cập về công cụ thuế, vị Ủy viên này cho rằng, công cụ thuế có vai trò nhất định. Theo đó, thông qua hoạt động quản lý thuế sẽ nắm bắt được những đối tượng giao dịch như người mua, người bán là ai, mua bao nhiêu và mua lúc nào,… Những dữ liệu đó sẽ đóng góp vào cơ sở dữ liệu chung của quốc gia để quản lý được xã hội tốt hơn.
Đề cập về tính hiệu quả của các quy định pháp luật hiện nay trong việc ngăn ngừa trốn thuế và rửa tiền khi giao dịch vàng, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho hay, ngoài Nghị định 24 quy định các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải niêm yết giá, thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng, chống rửa tiền cũng có quy định về mỗi giao dịch từ 400 triệu trở lên đều phải báo cáo đến cơ quan chức năng để ghi nhận thông tin. Và gần đây, là quy định về hóa đơn điện tử, yêu cầu tất cả các giao dịch vàng bán ra thị trường đều phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử có liên kết với cơ quan thuế.
Theo ông Hà, những quy định này sẽ hỗ trợ cho việc chống trốn, thất thu thuế. Đồng thời cũng ghi lại các dấu vết, các chứng cứ để phòng, chống hoạt động rửa tiền sau này.
Bổ sung thêm, ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam nêu ra 2 vấn đề về phòng, chống rửa tiền, qua câu chuyện mua bán vàng.
Thứ nhất, nếu chỉ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và hóa đơn vàng chưa đủ. Nhìn về dài hạn thì mọi công dân có bất cứ một thu nhập nào đều phải kê khai một cách minh bạch. Khi đó mới có thể phát hiện ra được, kể cả về vấn đề rửa tiền qua vàng hay sở hữu chéo hay là bất cứ gửi người mua hộ.
"Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế trên tổng phương tiện thanh toán từ 9% đến 11%, M2 khoảng 1,4 đến 1,6 triệu tỷ. Việc nhờ người khác mua hộ vài lượng vàng vẫn ghi đầy đủ hóa đơn, chứng từ vẫn hoàn toàn là bình thường. Tất nhiên vẫn có mức trần nhất định trong việc mua bán vàng cần đáp ứng. Như vậy, khi nào nền kinh tế có tỷ lệ tiền mặt trên tổng tiền phương tiện thanh toán rất thấp mới có thể kiểm soát được phòng, chống rửa tiền", ông Hòe nhấn mạnh.
Thứ hai, về cơ sở dữ liệu dùng chung cho các bộ, ban ngành, theo ông Hòe không thể dễ dàng trong ngày một ngày hai là được. Công việc này cần cả một quá trình.
"Cần giao cho ai để tích hợp toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế. Nhưng cơ sở của dữ liệu lớn (Big Data) và làm sạch dữ liệu như thế nào cũng là một bài toán không hề đơn giản. Rồi còn đó câu chuyện về chia sẻ dữ liệu giữa các bên có sẵn sàng chia sẻ hay không?", ông Hòe bày tỏ.
Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cũng lưu ý, đáng lo ngại là một khi thị trường vàng trong nước "bùng lên", Nhà nước chưa kịp can thiệp đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng về Việt Nam bán lại cho các tiệm vàng. Đây chính là những đối tượng nắm giữ lượng vàng rất lớn, điều tiết giá, "giật dây" thị trường. Như vậy, cần có những biện pháp đồng bộ để chiến đấu chống lại những lực lượng này.