Cổ đông ngoài thao túng, Sawacom dần mất ''quyền lực'' thị trường nước sạch ở TP.HCM

25/10/2019 17:11 GMT+7
UBND TP.HCM đang xem xét dự thảo về việc tăng giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố lộ trình 2019 - 2022, do Sở Tài chính soạn thảo sau khi tham khảo nhiều ngành chức năng. Dự kiến tăng giá nước trên địa bàn TP.HCM nêu trên xuất phát từ kiến nghị của Sawaco.

Giải pháp hồ lắng nước và đập ngăn mặn

Theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ, ông Trần Văn Khuyên - Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) cho hay, sự cố dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước ở Hà Nội là một bài học để Sawaco có những điều chỉnh trong kế hoạch cấp nước an toàn, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Ông Khuyên cho rằng, hiện nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TP HCM chủ yếu lấy từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Tuy nhiên, hai sông này chảy qua TP.HCM chỉ là phần nhỏ phía hạ lưu. 

Vì vậy, khi có những sự cố về môi trường ở đầu nguồn (ô nhiễm do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông ngày càng cao), khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước cho TP.HCM rất lớn.

Cổ đông ngoài thao túng, Sawacom dần mất ''quyền lực''  thị trường nước sạch ở TP.HCM - Ảnh 1.

Khu vực Nhà máy nước Tân Hiệp sử dụng nguồn nước sôg Sài Gòn, xử lý rồi cung cấp lại cho người dân. Ảnh TTO.

Hiện có 2 hồ chứa nước Dầu Tiếng và Trị An ở đầu nguồn nên nguồn nước thô dự trữ cho TP.HCM luôn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông Khuyên cho rằng mỗi khi có vấn đề về ô nhiễm hay nước mặn, hàng trăm triệu mét khối hồ Dầu Tiếng có thể phải bị đổ hết ra biển, gây lãng phí.

Vì vậy, về lâu dài, TP.HCM cần thực hiện phương án xây dựng các hồ điều tiết, hồ lắng dọc sông Sài Gòn hoặc sông Đồng Nai. Phương án này giúp đảm bảo an toàn nguồn nước cho thành phố đến 50 năm sau.

Một giải pháp khác, theo ông Khuyên, TP.HCM cần xem xét xây dựng đập ngăn mặn ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần tính toán xây dựng nhiều bể chứa nước ngầm trong các khu vực nội thị nhằm đảm bảo kế hoạch cấp nước an toàn.

Các đề xuất như trên đã được nêu trong nội dung điều chỉnh bổ sung quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn 2060 trình cơ quan chức năng và đang chờ được phê duyệt để thực hiện.

Kế hoạch tăng giá nước

Liên quan đến Sawaco, UBND TP.HCM hiện đang xem xét dự thảo về việc tăng giá nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố lộ trình 2019 - 2022, do Sở Tài chính soạn thảo sau khi tham khảo nhiều ngành chức năng.

Dự kiến tăng giá nước trên địa bàn TP.HCM nêu trên xuất phát từ kiến nghị của Sawaco. Theo Dự thảo của Sở Tài chính, đối với hộ dân cư trên địa bàn Thành phố, giá nước năm 2019 tăng 5,66% so với mức giá hiện nay, từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 (hộ nghèo và cận nghèo năm 2019 vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3); năm 2020, giá nước bán lẻ sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 5.600 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Năm 2021, giá nước sẽ là 6.300 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.000 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2022, mức giá là 6.700 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.300 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.

Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, Sawaco sẽ quyết định giá nước sạch cho các mục đích khác ngoài giá nước sạch cho sinh hoạt, phù hợp với phương án giá nước sạch lộ trình 2019 - 2022.

Cổ đông ngoài thao túng, Sawacom dần mất ''quyền lực''  thị trường nước sạch ở TP.HCM - Ảnh 3.

Nhà máy Nước Thủ Đức.

"Quyền lực" nước sinh hoạt đang rơi dần vào tay cổ đông ngoài

Vấn đề ở chỗ, Sawaco hoạt động theo mô hình công ty "mẹ" nắm quyền chi phối các công ty "con" để kiểm soát giá nước sinh hoạt - một mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến đời sống dân sinh toàn Thành phố. Nhưng thực trạng của Sawaco lại đáng lo ngại, khi đầu vào và đầu ra nguồn nước sỉ lệ thuộc vào các công ty "con" đã cổ phần hóa với sự thao túng của cổ đông bên ngoài.

Cụ thể, ở đầu vào, theo chính báo cáo của Sawaco, doanh nghiệp này phải mua sỉ nước sạch của các nhà máy nước xã hội hóa và chi phí đều tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng tới 42% trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh.

Giai đoạn 2016 - 2018, chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước xã hội hóa tăng bình quân 252 tỷ đồng/năm. Mặt khác, giá mua sỉ nước sạch hiện nay đều tăng theo định kỳ hàng năm hoặc hai năm, như giá nước sạch của Công ty cổ phần BOO Nước Thủ Đức tăng 5%, của Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông tăng 5%/năm trong 6 năm đầu.

Còn với đầu ra, tại Kiến nghị số 2844 ngày 26/8/2019, Sawaco cho hay, doanh nghiệp này đang bán sỉ nước sạch giai đoạn 2015 - 2019 cho 6 công ty "con" đã cổ phần hóa để các công ty này cung cấp cho người dùng.

Công suất sản xuất nước tại TP.HCM đang dư 500.000 m3 nước/ngày

Theo Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có tổng công suất cung cấp nước sạch 2,4 triệu m3/ngày, công suất vận hành phát nước của Thành phố đạt hơn 1,8 triệu m3/ngày.

Như vậy, các nhà máy nước còn lượng công suất dự phòng khoảng 500.000 m3/ngày. Theo kế hoạch, tỷ lệ thất thoát nước dự kiến đến năm 2025 tại TP.HCM là 25%, nhưng đến nay, tỷ lệ này đã giảm còn 22,18%.

Tuy nhiên, Sawaco đã không ký được hợp đồng mua bán nước với Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (từ năm 2017 tới nay) và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (từ năm 2018 tới nay). 

Lý do là, quyền quyết định ký kết hợp đồng của hai công ty này thuộc Hội đồng Quản trị, nhưng thành viên Hội đồng Quản trị là người đại diện vốn góp của Sawaco tại đây đã mất quyền biểu quyết.

Quyền này ở cả 2 công ty cổ phần nói trên đã rơi vào tay Công ty cổ phần Cấp nước, Cơ điện lạnh REE. Từ đó, đơn giá mua bán sỉ nước sạch theo ý của Sawaco không đủ số phiếu tán thành, nên không thể thông qua hợp đồng với 2 công ty cổ phần này.

"Hiện nay, với ảnh hưởng từ sự việc của Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định đã tác động đến việc ký kết hợp đồng giữa Tổng công ty với các công ty còn lại…", kiến nghị do Phó tổng giám đốc Sawaco Nguyễn Văn Dụ trả lời trên báo chí.

Cổ đông bên ngoài có thể kiện theo Luật Doanh nghiệp?

Điều tiết việc mua bán sỉ nước sinh hoạt giữa bên cung và cấp lâu nay, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT quy định, việc thỏa thuận giá bán buôn nước sạch do hai bên tự thỏa thuận để đảm bảo cả hai đều bù đắp được chi phí sản xuất và có mức lợi nhuận hợp lý và không cao hơn giá bán lẻ do cấp thẩm quyền quy định. Trong trường hợp không thống nhất, thì một trong hai bên có quyền yêu cầu Sở Tài chính cấp tỉnh tổ chức hiệp thương giá.

Áp dụng thông tư trên, Sawaco đã nhiều lần đối thoại, gặp gỡ các cổ đông lớn của các công ty cổ phần mua bán nước với mình, nhưng đều không thống nhất được mức giá.

Cổ đông ngoài thao túng, Sawacom dần mất ''quyền lực''  thị trường nước sạch ở TP.HCM - Ảnh 5.

"Quyền lực'' của Sawaco đang dần tay vào các cổ đồng ngoài.

Sawaco cũng đã tính đến "bước đường cùng" là xin cho phép chỉ đạo người đại diện vốn góp nhà nước của Tổng công ty tại công ty "con" ký hợp đồng để cấp nước. Tuy nhiên, việc này vi phạm khoản 2, Điều 162, Luật Doanh nghiêp số 68/2014 và cổ đông lớn bên ngoài có quyền khởi kiện. Trong kiến nghị mình, Sawaco muốn Sở Tư pháp hỗ trợ pháp lý, nhưng Sở Tư pháp cũng không thể can thiệp luật.

Từ thực tế trên, đã nổi lên nỗi lo lớn: khi quyền quyết rơi vào tay cổ đông bên ngoài, liệu Sawaco có kiểm soát được giá nước đúng lộ trình, hay lại tiếp tục "điệp khúc" xin tăng giá, xin ngân sách "tiếp sức" như nhiều năm qua?

Như vậy, trước khi quyết định tăng giá nước sạch, Thành phố cần có nghiên cứu cụ thể về nhiều mặt và quan trọng nhất phải giải được bài toán hóc búa trên khi người đại diện vốn nhà nước đã mất quyền quyết tại các công ty con đã cổ phần hóa.

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục