Có hay không tình trạng cán bộ ở Quảng Trị né tránh trách nhiệm?
Ngày 12/10, tin của PV Dân Việt từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, cơ quan, địa phương; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, UBND tỉnh đã khẩn trương thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị còn yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt" gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…
Nhờ những quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, tính kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được nâng lên. Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đã chuyển biến trong nhận thức và hành động để phục vụ nhân dân.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức rất đáng lo ngại, tác động tiêu cực, là nguyên nhân chậm trễ, ách tắc công việc. Nhiều cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ, nhiều công trình chậm tiến độ hoặc ngưng trệ, chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhiều vấn đề bức xúc xã hội chậm giải quyết… cũng một phần lý do cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Người đứng đầu cơ quan sợ trách nhiệm sẽ khiến cấp dưới thiếu niềm tin, làm việc cầm chừng, không muốn cống hiến… cản trở động lực phát triển xã hội, suy giảm uy tín của Đảng và Nhà nước trong lòng dân.
Nguyên nhân do một số quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa hoàn thiện, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa có quy định hay kinh nghiệm xử lý, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai. Điều này khiến cán bộ chưa phát huy hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thâm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót.
Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.
Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực, không đủ nhận thức, trình độ dẫn đến né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy…
Hơn nữa, việc đấu tranh với biểu hiện sợ trách nhiệm trong cán bộ chưa được thường xuyên, dẫn đến những cán bộ sợ trách nhiệm vẫn tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo, làm cho tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm tiếp tục có cơ hội tồn tại.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn chưa phát sinh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng. Dù vậy, việc theo dõi, phát hiện, ngăn chặn luôn được quan tâm.
Để thực hiện hiệu quả kỷ cương hành chính, thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó nghiêm túc kiểm điểm, phê bình, thậm chí miễn nhiệm, thay thế những cán bộ "an phận thủ thường", không dám nói, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, không hành động vì lợi ích chung, mà chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Đảng, Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định, chính sách, pháp luật; kịp thời có hướng dẫn xử lý những vấn đề phát sinh trong xã hội và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ những cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung.