Ôm "bom nợ" quá lớn, đại gia BĐS China Evergrande phải họp bàn với Bắc Kinh
Trong phiên giao dịch hôm 20/8, cổ phiếu China Evergrande cũng giảm 1,6%. Phiên giảm diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC cùng Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cho biết đã có cuộc họp với ban lãnh đạo China Evergrande để ổn định rủi ro nợ và đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn. Trong cuộc họp, các quan chức Trung Quốc yêu cầu China Evergrande tích cực giải quyết rủi ro nợ cũng như công khai các thông tin tài chính trung thực theo quy định của chính phủ để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính quốc gia.
Đầu tuần này, cổ phiếu China Evergrande cũng tụt 4% khi tỷ phú Hui Ka Yan tuyên bố từ chức Chủ tịch Hengda Real Estate, công ty con chuyên mảng bất động sản của China Evergrande Group. Đây là động thái khiến nhà đầu tư hoang mang trong bối cảnh tập đoàn này lao đao vì rắc rối tài chính.
Nhìn chung, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu China Evergrande Group niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm hơn 60% xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm qua khi nhà đầu tư quan ngại về khả năng trả nợ của tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc.
Là một trong những nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, China Evergrande đang là mối quan tâm lớn với Bắc Kinh do hàng loạt vấn đề: gánh nặng nợ quá lớn cũng như tầm ảnh hưởng của nó đến ngành xây dựng nói chung - vốn đóng góp hơn 1/4 vào GDP quốc gia. Một ước tính gần đây cho thấy China Evergrande hiện đang cõng trên lưng tổng nợ phải trả lên tới 301 tỷ USD.
Còn báo cáo do S&P Global Ratings công bố hồi đầu tháng này chỉ ra Evergrande đang đối diện với các khoản phải trả thương mại và hóa đơn lên tới 240 tỷ nhân dân tệ (37 tỷ USD) sẽ đến hạn trong vòng 12 tháng tới. Khoảng 100 tỷ nhân dân tệ trong số đó sẽ đến hạn vào cuối tháng 12 này, cũng theo S&P Global Ratings. Cơ quan xếp hạng này đã hạ cấp rủi ro nợ của Evergrande cũng tư các công ty con của nó từ mức “B-” xuống “CCC” do rủi ro vỡ nợ tăng mạnh khi nhiều tài sản có nguy cơ bị đóng băng và khả năng thanh khoản rất căng thẳng.
Thực tế, nhà phát triển bất động sản đã đối mặt với hàng loạt mối quan ngại về tính thanh khoản kém cũng như khả năng vỡ nợ kể từ tháng 3/2020. Tâm lý hoài nghi về số phận China Evergrande ngày càng tăng lên sau khi hàng loạt cơ quan xếp hạng hạ bậc xếp hạng tín dụng của tập đoàn.
Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance, cho biết những diễn biến mới nhất xung quanh Evergrande phản ánh mối quan tâm của Bắc Kinh trong việc hạn chế rủi ro nợ trên thị trường bất động sản cũng như hướng tới giảm gánh nặng nợ nói chung trong nền kinh tế. “Một môi trường pháp lý thuận lợi và việc điều chỉnh chính sách là rất quan trọng để quyết định xem liệu Evergrande có vượt qua cuộc khủng hoảng nợ một cách êm thấm hay không… Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ những giao dịch tiềm năng để nắm bắt các tín hiệu về mức độ hỗ trợ mà Bắc Kinh dành cho Evergrande liên quan đến vấn đề thanh khoản. Bắc Kinh sẽ phải đau đầu để cân bằng giữa việc hạn chế rủi ro tài chính và đảm bảo ổn định xã hội”.
Việc giảm rủi ro trên thị trường bất động sản là ưu tiên lớn với Bắc Kinh bởi phần lớn tài sản của hộ gia đình Trung Quốc (khoảng 70-80% theo ước tính của Moody) gắn liền với bất động sản. Báo cáo của Moody cũng cho hay khoảng 10% tổng thu nhập hộ gia đình của Trung Quốc có liên quan đến tài sản bất động sản. Mặc dù các nhà chức trách nhiều lần nhấn mạnh “nhà để ở chứ không phải để đầu cơ”, việc các hộ gia đình Trung Quốc ưa thích đầu tư vào bất động sản hơn là cổ phiếu hoặc các tài sản khác đã góp phần làm tăng giá bất động sản trong suốt thời gian qua; đồng thời đẩy gánh nặng nợ hộ gia đình Trung Quốc tăng vọt. Điều này còn có nguy cơ đưa lạm phát tăng nóng - vốn là vấn đề lớn với nhiều nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch.