Cổ phiếu THP của Thủy sản Thuận Phước - "hoa hậu" ngành tôm đang bị lãng quên?
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Thủy sản Thuận Phước, UPCoM: THP) được thành lập năm 1987 và được cổ phần hóa năm 2007.
Ngành nghề kinh doanh chính là Sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đông lạnh, nông sản thực phẩm và thực phẩm công nghệ. Nhập khẩu vật tư, máy móc thiết bị, công nghệ, phương tiện giao thông vận tải và hàng tiêu dùng.
Những năm gần đây, Thủy sản Thuận Phước luôn nằm trong top 10 xuất khẩu thủy sản và trong top 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy, 4 năm trở lại đây doanh thu xuất khẩu của Thủy sản Thuận Phước đều có bước tăng trưởng đều đặn.
Cụ thể, năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu của Thủy sản Thuận Phước đạt 75,2 triệu USD. Đến năm 2018, giá trị xuất khẩu tăng 15% đạt 86,5 triệu USD.
Năm 2019, công ty xuất khẩu được 8.832 tấn sản phẩm với kim ngạch đạt 91,4 triệu USD (tăng nhẹ 5,7%), thị trường chính là châu Âu với tỷ trọng xuất khẩu 41%, tiếp đến là Nhật Bản và Mỹ. Đến năm 2020, giá trị xuất khẩu tăng 7,2% đạt 98 triệu USD.
Sang năm 2021, mặc dù khó khăn bủa vây nhưng Thủy sản Thuận Phước vẫn ghi nhận bước tăng trưởng đáng kể khi xuất khẩu 10 tháng đạt 96,9 triệu USD (tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020).
Xét về tình hình kinh doanh, năm 2018, doanh thu của Thủy sản Thuận Phước đạt 2.117 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng đạt kết quả ấn tượng là 112,4 tỷ đồng. Đến năm 2019, doanh thu công ty giảm nhẹ đạt 2.094 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 32,5 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2020, doanh thu thuần của Thủy sản Thuận Phước tăng 9,4%, đạt 2.292 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 55,2 tỷ đồng tăng gần 70%.
Hiện Thủy sản Thuận Phước có vốn điều lệ hơn 72 tỷ đồng, trong đó cơ cấu cổ đông lớn gồm bà Nguyễn Thị Phi Anh, Tổng giám đốc Công ty sở hữu 3,29 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 45,67%; Chủ tịch HĐQT Trần Văn Lĩnh nắm giữ 10,16% và bà Lê Thị Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Công ty, đồng thời là con bà Phi Anh nắm giữ 5,64% vốn.
Mặc dù có kết quả kinh doanh tốt, nhưng cổ phiếu THP gần như bị lãng quên. Thủy sản Thuận Phước chính thức đưa cổ phiếu THP niêm yết trên HNX vào giữa tháng 11/2019 với mức giá “chào hàng” là 22.900 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, từ sau khi niêm yết, thời gian đầu cổ phiếu THP chủ yếu đứng bất động, giá trị vốn hóa rất thấp so với công ty cùng ngành. Không có thanh khoản, cổ phiếu THP liên tiếp giảm xuống, mức cao nhất trong năm 2021 đạt 15.400 đồng/cổ phiếu và hiện đang giao dịch quanh mức 14.600 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản liên tục bứt phá. Điển hình như Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia (IDI), mặc dù doanh thu xuất khẩu xếp sau THP nhưng cổ phiếu liên tục đạt đỉnh mới. Trong khoảng 1 tháng nay, cổ phiếu IDI đã tăng gần 190%. Giá IDI từ mức chỉ "trà đá" thì hiện đang kịch phiên với giá 22.700 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 25/11).
Cổ phiếu ANV cũng gây sự chú ý của nhà đầu tư khi tăng 17,27% trong 1 tháng qua, hiện ANV đang giao dịch quanh mức 37.000 đồng/cổ phiếu.
Hay như cổ phiếu CTCP Thủy sản Cà Mau (CAT), trong một tháng qua tăng 24,11%, chốt phiên ngày 25/11 đang ở mức 27.800 đồng/cổ phiếu.
Cũng cùng thời gian trên VHC của Vĩnh Hoàn tăng lên gần 5%, hiện đang ở mức 64.900 đồng/cổ phiếu.