"Cởi trói" kinh tế đêm có thể thu về hàng tỷ USD
Dịch vụ kinh doanh đêm vẫn nghèo nàn
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong báo cáo mới đây trình Thủ tướng Chính phủ về hoạt động kinh tế ban đêm cho thấy, ngành này đã hình thành tại Việt Nam, tuy nhiên, hiện vẫn hoạt động manh mún tại một số thành phố, trung tâm du lịch lớn.
Hiện các trung tâm đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Huế… hiện đã xuất hiện các hoạt động kinh doanh, giải trí vào ban đêm.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chưa có báo cáo, số liệu thống kê cụ thể về đóng góp của kinh tế đêm vào phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, ngay tại các trung tâm kể trên cũng chưa định hình thành khu vực kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP.
Hiện nay, việc kinh doanh vào ban đêm tại các trung tâm, đô thị vẫn chưa bài bản, không có quy hoạch khu vực, cơ chế hoạt động, ngoài ra, "giờ giới nghiêm" từ 2 đến 3h sáng cũng khiến hoạt động này khó phát triển. Tại nhiều thành phố trên cả nước, kinh tế ban đêm mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, tuy nhiên, vẫn còn rời rạc, thiếu bản sắc, không đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, thời gian qua, Quảng Ninh có sự phát triển du lịch về đêm với sự xuất hiện của một số chợ đêm, phố đi bộ kết hợp ẩm thực tại các trung tâm du lịch lớn của tỉnh như Hạ Long, Móng Cái...
Vào năm 2015, khu tổ hợp thương mại và giải trí Hạ Long Marine Plaza, chợ đêm Hạ Long với diện tích 5.000 m2 gồm 335 gian hàng kinh doanh tất cả các loại mặt hàng từ đồ lưu niệm đến thời trang, ẩm thực địa phương. Đây được kỳ vọng là điểm đến yêu thích cho du khách vào ban đêm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều du khách, những món đồ được bày bán ở chợ đêm còn khá nghèo nàn, chưa có nhiều đặc sản mang bản sắc địa phương.
"Tôi đến đây với hy vọng sẽ mua được món đồ gì đó đặc trưng của Quảng Ninh để làm kỷ niệm, nhưng đồ bày bán ở đây khá đại trà, cũng giống như ở chợ khác mà tôi đã ghé qua", một du khách cho hay.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch của Quảng Ninh còn rất lớn, tuy nhiên, tỉnh vẫn thiếu các tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, đặc sắc về đêm phục vụ du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.
"Hiện nay, du khách chỉ có thể trải nghiệm đêm trên vịnh. Nhưng những trải nghiệm trên vịnh về đêm quá nghèo nàn, ngoài câu cá họ không còn trải nghiệm nào thú vị khác", bà Bảo chia sẻ.
Không chỉ Quảng Ninh, tại Hà Nội, hoạt động kinh tế đêm hiện mới chỉ tập trung ở khu vực phố cổ. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ cho phép các hoạt động kinh doanh tới 2h sáng và chợ đêm vào 3 ngày cuối tuần tại các khu vực phố cổ; cho phép mở chợ đêm trên các tuyến phố như Hàng Đào vào cuối tuần,...
Ngoài ra, Huế đang triển khai dự án "Sáng và Sống" mục tiêu tạo ra nhiều dịch vụ về đêm cho du khách. Hay như Quảng Bình đang xây dựng hai sản phẩm du lịch ban đêm là khám phá thành phố Đồng Hới vào ban đêm bằng xe điện, phố chợ đêm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, những khu vực thí điểm hoạt động kinh tế đêm của Việt Nam nói chung vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc, khó phát triển lớn.
Doanh thu du lịch đến từ ban đêm chiếm 70%
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Vietravel đánh giá, tại Việt Nam, địa phương khác vẫn chưa chú trọng đầu tư cho các dòng sản phẩm ban đêm, chủ yếu phục vụ khung thời gian từ 6h đến 17h.
Cũng theo nhận định của ông Kỳ, đây là cách làm đi ngược lại xu thế chung của du lịch thế giới, không tạo ra giá trị gia tăng lớn. Hiện nay, hầu hết các quốc gia phát triển du lịch, 30% doanh thu đến từ ban ngày, còn 70% đến từ ban đêm.
Cụ thể, tại Anh, kinh tế ban đêm đóng góp 6% GDP tương đương 66 tỷ bảng Anh/năm, Úc chiếm 4% GDP... Trong năm 2020, Nhật Bản cũng đang phấn đấu đạt quy mô 400 tỷ yên/năm đối với kinh tế ban đêm.
Từ năm 2018, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch hành động xây dựng thành phố đầu mối quốc tế về tiêu dùng. Trong đó, mục tiêu đến năm 2035 trở thành trung tâm tiêu dùng quốc tế mang thương hiệu Đêm Bắc Kinh nổi tiếng toàn cầu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế đêm, hấp dẫn du khách quốc tế.
"Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện phát triển kinh tế đêm như có tài nguyên du lịch ưu đãi và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế, chính trị an ninh ổn định, không có nguy cơ khủng bố...", Bộ Công Thương đánh giá.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương nhận định, kinh tế ban đêm cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ như ô nhiễm tiếng ồn, tệ nạn xã hội như tội phạm, mại dâm, sự lai căng về văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nền kinh tế đêm đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu, việc phát triển là nhu cầu tất yếu của xã hội. Nhưng do tâm lý e dè, lo ngại khó quản lý dẫn đến việc hạn chế, cấm đoán khiến kinh tế đêm không phát triển được, đây là cách tiếp cận không phù hợp với xu hướng thời đại.
"Kinh tế ban đêm ở Việt Nam thực tế tồn tại từ khá lâu rồi. Tiếc rằng là chúng ta nhìn nhận về kinh tế ban đêm còn hạn chế và chưa có công trình nghiên cứu một cách nghiêm túc. Thậm chí, có người còn đánh đồng kinh tế ban đêm với các tiêu cực, rồi cho rằng kinh tế ban đêm là vi phạm luật pháp nên muốn cấm", Tiến sĩ Doanh cho hay.