Con đường thành công của thương hiệu Uniqlo

08/10/2019 09:01 GMT+7
Khởi đầu của thương hiệu thời trang Uniqlo là cửa hàng quần áo nam tại một tỉnh Tây Nam xa xôi của Nhật Bản nay đã bành trướng tới nhiều nơi trên khắp thế giới, trở thành cái tên được biết đến rộng rãi.

Tiền thân của Uniqlo là cửa hàng dành cho nam giới có tên Ogori Shoji của gia đình Yanai mở tại thành phố Ube thuộc tỉnh Yamaguchi vào tháng 3/1949. Ông Hitoshi Yanai sau một thời gian mở cửa hàng với phong cách thời trang có chút phá cách so với thời đó và gặt hái thành công đã bắt đầu đủ tự tin để thành lập công ty Ogori Shoji vào mùa xuân năm 1963 với 6 triệu Yên tiền vốn.

Công ty Ogori Shoji phát triển ổn định trong vòng 20 năm sau đó nhờ tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản khiến người tiêu dùng thoải mái hơn trong chi tiêu. Đến năm 1984, dưới sự quản lý của ông Tadashi Yanai – con trai nhà thành lập, công ty công ty Ogori Shoji đã phát triển và chuẩn bị cho những thử thách mới khi mở cửa hàng Unique Clothing Warehouse.

Con đường thành công của thương hiệu Uniqlo - Ảnh 1.

Cửa hàng Unique Clothing Warehouse khai trương năm 1984 tại Hiroshima. Ảnh: SCMP

Ngày 2/6/1984 đánh dấu mốc Uniqlo mở cửa hàng đầu tiên trong chuỗi cửa hàng của hãng, khi đó có tên Unique Clothing Warehouse. Sau đó Unique Clothing Warehouse được rút gọn thành Uniqlo và duy trì cái tên đó đến ngày nay.

Người đại diện của công ty cho biết: "Mục đích của Unique Clothing Warehouse là tạo ra một cửa hàng nơi khách hàng có thể mua sắm dễ dàng quần áo chất lượng cao với mức giá hợp lý, tương tự như mua tạp chí tại cửa hàng sách".

Đến năm 1985, cửa hàng lớn mở dọc các trục đường lớn đầu tiên của công ty Ogori Shoji nhằm thu thút khách hàng di chuyển bằng ô tô và mua sỉ đã được mở tại tỉnh Yamaguchi.

Từ thời điểm này, công ty Ogori Shoji đã vươn tham vọng với thị trường nước ngoài. Khi đăng ký kinh doanh tại Hong Kong (Trung Quốc) trong năm 1988, chữ "C" bị nhầm chính tả thành "Q" và từ đây thương hiệu Uniqlo ra đời. Lấy cảm hứng từ cái tên mới, ông Tadashi Yanai quyết định đổi tên cửa hàng khắp Nhật Bản thành Uniqlo.

Con đường thành công của thương hiệu Uniqlo - Ảnh 2.

Ông chủ của Uniqlo - Tadashi Yanai. Ảnh: Bloomberg

Ba năm sau đó, công ty Ogiri Shoji chuyển tên thành Fast Retailing Co., Ltd và xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán Hiroshima từ mùa hè năm 1994. Ở thời điểm mang tính bước ngoặt này, trên khắp Nhật Bản đã có tới 100 cửa hàng Uniqlo. Đến năm 1996, Fast Retailing mở văn phòng tại quận Shibuya.

Sau đó, Uniqlo quyết định đi theo con đường của các hãng thời trang bán lẻ khác như The Gap (Mỹ) là tự sản xuất và bán sản phẩm qua các cửa hàng của hãng. Tiếp đó, Uniqlo mở các nhà máy tại Trung Quốc nơi tiền công trả cho lao động rẻ hơn hẳn so với Nhật Bản. Điều này tạo điều kiện để các sản phẩm của Uniqlo giữ ở mức thấp. Quần áo chất lượng với mức giá hợp lý đã tạo ấn tượng mạnh với người tiêu dùng.

Năm 1998, Uniqlo mở cửa hàng đầu tiên tại Tokyo. Cùng thời điểm này Uniqlo quảng bá "chiến dịch lông cừu" gồm những bộ trang phục mùa Đông rực rỡ và phong cách, giá thành rẻ đồng thời hữu dụng với mức giá khởi điểm chỉ 1.999 Yen. Người tiêu dùng Nhật Bản đã nhiệt tình đón nhận dòng trang phục này.

Bà Beryl Pei-Chi Tung nhận định: "Điều quan trọng là chúng tôi sử dụng những chất liệu tự nhiên, tốt như len, lông cừu, vải lanh, cotton supima nhưng vẫn có mức giá vừa phải".

Năm 1999, Uniqlo mở văn phòng Thượng Hải tập trung vào quản lý sản xuất. Năm 2001, riêng tại Nhật Bản đã có hơn 500 cửa hàng Uniqlo. Tháng 9/2001, Uniqlo mở cửa hàng tại London (Anh). Fast Retailing cũng mở văn phòng thiết kế tại New York (Mỹ) từ năm 2004.

Con đường thành công của thương hiệu Uniqlo - Ảnh 3.

Một cửa hàng của Uniqlo tại New York. Ảnh: Reuters

Fast Retailing cũng tập trung vào xây dựng các mối quan hệ. Năm 2006, Fast Retailing hợp tác với công ty vật liệu Toray Industries (Nhật Bản) để tạo ra công nghệ Heattech. Ngoài ra, Fast Retailing cũng bắt tay cùng nhà thiết kế Mỹ Alexander Wang.

Tuy nhiên, Uniqlo không chỉ bước chân trên con đường thành công mà cũng vấp phải một số thất bại như nhãn hiệu con mang tên Skip chỉ tồn tại được 15 tháng từ năm 2002.

Tháng 3/2016, ông Yanai từng nói: "Nhìn bên ngoài tôi đã thành công nhưng thực tế tôi từng phạm phải sai lầm. Mọi người thường quá nghiêm trọng với sai lầm của bản thân. Thực tế bạn phải tích cực và tin tưởng rằng minh sẽ gặp được thành công trong lần thử tới".

Tháng 6/2019, ông Yanai đứng thứ 31 trong danh sách những cá nhân giàu nhất thế giới tạp chí Forbes (Mỹ) xếp hạng. Ông Yanai đồng thời là người giàu nhất Nhật Bản với tổng tài sản vào khoảng 29,4 tỷ USD.

Tính đến tháng 2/2019, Uniqlo có 2.136 cửa hàng tại 22 thị trường trên khắp thế giới. Riêng Nhật Bản có 825 cửa hàng và trung bình mỗi tuần có thêm 3 cửa hàng mới của Uniqlo được mở trên khắp thế giới. Gần đây nhất, vào ngày 4/10, Uniqlo đã mở cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ.

Theo Báo Tin tức
Cùng chuyên mục