Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thu hút đầu tư tài chính cho các startup

12/06/2021 07:43 GMT+7
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đầu tư cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đồng thời, việc nâng cao năng lực thu hút đầu tư tài chính cho startup đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Xu hướng mới về đầu tư cho các startup

Theo các số liệu thống kê, nền kinh tế nước ta đang phục hồi trở lại. Cả đầu tư và tiêu dùng đều tăng trưởng một cách đều đặn. Đầu tư của khu vực nhà nước đang tăng nhanh nhất, cho thấy Chính phủ đã có những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động đầu tư ngoài Nhà nước cũng phục hồi mạnh mẽ. Các lĩnh vực chính mà các nhà đầu tư tập trung nhiều vào là tài chính, thương mại điện tử, giáo dục, y dược và giải pháp logistics.

Đồng thời, các nhà đầu tư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Có gần 180 tổ chức tài chính tại Việt Nam, như Nextrans, VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Groups, IDG Ventures Vietnam. Ngoài ra, các công ty đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm các công ty khởi nghiệp tiềm năng.

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thu hút đầu tư tài chính cho startup - Ảnh 1.

Sở Khoa học và Công nghệ ký kết hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: CTV

Theo báo cáo khởi nghiệp sáng tạo của Nextrans, xu hướng mới trong thời gian gần đây là các nhà đầu tư Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến các công ty khởi nghiệp trong nước. Năm 2021, các doanh nghiệp lớn/kỳ lân tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp để đầu tư và hợp tác với các công ty khởi nghiệp mới nổi.

Ngày 15/1/2021, VinaCapital Ventures rót 1 triệu USD vào GoStream, một công ty khởi nghiệp cung cấp nền tảng phát trực tiếp trong chuỗi tài trợ Series A, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua lại 30% cổ phần của Công ty fintech Người Bản Vàng, trong một thương vụ trị giá khoảng 3 tỷ đồng (130.000 đô la Mỹ). Ngày 11/3/2021, VNG tiếp tục đầu tư 6 triệu USD vào Got It - một nền tảng tặng quà kỹ thuật số. Nổi bật là sự kiện MoMo gọi vốn thành công vòng Series D với giá trị 100 triệu USD.

Đầu năm 2021, ứng dụng thanh toán này đã thành lập chi nhánh đầu tư của riêng mình để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước có tên là MoMo Innovation Ventures, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển bằng cách tiếp cận với các công nghệ và giải pháp mới, mà không mất nhiều thời gian để tự phát triển. Và mới đây, ngày 4/5/2021, FPT công bố khoản đầu tư chiến lược vào Base.vn - nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất Việt Nam, với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số cho 800.000 doanh nghiệp Việt Nam.

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thu hút đầu tư tài chính cho startup - Ảnh 3.

Các thương vụ gọi vốn của Startup Việt Nam đầu năm 2021. Ảnh: CTV

Một số thương vụ gọi vốn khác đáng chú ý như: Dương Minh Logistics gọi vốn được 15 triệu USD; Genetica gọi vốn được 2,5 triệu USD, Go2Joy gọi vốn được 2,3 triệu USD, … DatBike, dự án khởi nghiệp ra đời và phát triển từ vườn ươm doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đã gọi vốn thành công 2,6 triệu USD tại vòng Pre-Series A từ Jungle Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore. DatBike được Bộ Giao thông Vận tải công nhận là xe máy điện đầu tiên có xuất xứ trong nước và xe duy nhất có hiệu năng tương đương với xe xăng truyền thống.

Nâng cao năng lực thu hút vốn của startup

Có thể nói sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn trong nước vào các startup là kết quả của sự đầu tư, xây dựng chính sách của Chính phủ. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) quốc gia đến năm 2025" nhằm hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển. 

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030", hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Các quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia, giai đoạn 2021-2025; ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030,... là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư tài chính, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thu hút đầu tư tài chính cho startup - Ảnh 4.

Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã tổ chức xét chọn và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: CTV

Để hỗ trợ tài chính cho các dự án startup, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 328/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND thành phố quy định nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng hiện có 2 Quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, để giúp các startup có thể tiếp cận, kêu gọi thành công các nguồn vốn đầu tư thì cần có nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ startup phát triển sản phẩm, kết nối đầu tư, giới thiệu sản phẩm, tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,…. Các hoạt động ươm tạo, tổ chức khoá huấn luyện chuyên sâu các kỹ năng trình bày, gọi vốn, làm việc nhóm, hay tư vấn tối ưu hoá mô hình hoạt động, kinh doanh,… sẽ giúp các startup nâng cao năng lực tư duy và hành động, dễ dàng thuyết phục nhà đầu tư hơn.

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thu hút đầu tư tài chính cho startup - Ảnh 5.

Thời gian tới, Đà Nẵng hi vọng sẽ có nhiều startup trưởng thành hơn, gọi vốn đầu tư lớn hơn, đi vào tính thị trường tốt hơn, phát triển bền vững. Ảnh: CTV

Trong năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã hỗ trợ kinh phí trực tiếp phát triển sản phẩm của 7 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.108 triệu đồng; hỗ trợ 8 doanh nghiệp tham gia sự kiện Ngày hội KNĐMST quốc gia Techfest Việt Nam nhằm kết nối hàng trăm lượt khách tham quan gian hàng, kết nối các quỹ đầu tư Shinhan của Korea, Dubai, Best B, Nextrans, Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên FYE, quỹ đầu tư cộng đồng Fundedbyme của châu Âu, hợp tác kết nối chuyên gia với SWISS EP, kết nối với IMPACT AIM về truyền thông; vườn ươm WSAFE để hỗ trợ tăng tốc,…

Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã tổ chức xét chọn và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (hỗ trợ 6 doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm; hỗ trợ 3 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ 2 vườn ươm doanh nghiệp triển khai chương trình ươm tạo).

Đồng thời, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố cũng có nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các startup, như chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch, dịch vụ VTS 2021 do Trung tâm ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan incubator) chủ trì tổ chức. 

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thu hút đầu tư tài chính cho startup - Ảnh 6.

Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng thường xuyên triển khai chương trình ươm tạo FINC nhằm ươm tạo, phát triển các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: CTV

Đồng thời, với vai trò là Trưởng làng công nghệ Du lịch và ẩm thực, Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cũng đã kết nối, thu hút các nguồn lực chất lượng cao hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho Đà Nẵng. 

Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) thường xuyên triển khai chương trình ươm tạo FINC nhằm ươm tạo, phát triển các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và định hướng phát triển cho các dự án/doanh nghiệp và kết nối mạng lưới chuyên gia có chuyên môn sâu hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố. Hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng đang diễn ra sôi nổi. 

Hiện nay, DNES kết nối đầu tư và ươm tạo 13 dự án (trong đó có 11 dự án của doanh nghiệp gồm: 4 dự án chuyển tiếp, 7 dự án mới), Ban Quản Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp ươm tạo 3 dự án, Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn ươm tạo 5 dự án, ); vườn ươm CNTT ươm tạo 5 dự án; Songhan incubator ươm tạo 5 dự án...

Với sự vào cuộc của chính quyền, đơn vị quản lý là Sở Khoa học và Công nghệ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng thành phố Đà Nẵng sẽ sớm có nhiều startup trưởng thành hơn, gọi vốn đầu tư lớn hơn, đi vào tính thị trường tốt hơn, phát triển bền vững.

Huỳnh Sang
Cùng chuyên mục