Quỹ đầu tư mạo hiểm: Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp chuyển mình

30/05/2021 07:52 GMT+7
Các quỹ đầu tư đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam bằng việc đưa vào vận hành các quỹ và thực hiện rót vốn đầu tư vào các startup Việt.

Nở rộ quỹ đầu tư mạo hiểm

Với dân số gần 98 triệu dân, 75% dân số đang trong độ tuổi lao động, 2 startup kỳ lân và tổng nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp lên đến hơn 290 triệu USD vào năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang bước vào thập kỷ mới với nhiều kỳ vọng phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới sau đại dịch, một môi trường thuận lợi cho việc đổi mới và áp dụng công nghệ cũng như những chính sách ổn định của Chính phủ... tất cả những nhân tố này là cơ sở quan trọng để các quỹ đầu tư hình thành và đi vào vận hành cùng hỗ trợ các nguồn lực tài chính cho các startup.

Quỹ đầu tư mạo hiểm: Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp chuyển mình - Ảnh 1.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm góp phần thúc đẩy các startup phát triển (Ảnh minh họa)

Việt Nam hiện có gần 180 quỹ đầu tư, điển hình bao gồm các tên lớn như VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans... Các quỹ đầu tư mạo hiểm từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang rất tích cực tìm kiếm những startup tiềm năng để rót vốn đầu tư. Gần đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners (Touchstone) đã chốt được hơn một nửa trong quy mô 50 triệu USD, đến từ những nhà đầu tư đáng chú ý như Pavilion Capital, Vulcan Capital và một số tổ chức đầu tư khác. Các lĩnh vực được Touchstone chú ý đầu tư hiện tại bao gồm fintech, bất động sản, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục và những sáng kiến công nghệ giúp nâng cao hiệu quả các chuỗi giá trị của các ngành quan trọng như sản xuất và nông nghiệp.

Ông Trần Nhật Khanh - Giám đốc điều hành Touchston cho biết - quỹ muốn đẩy mạnh sự phát triển tích cực của xã hội và thiết lập những tiêu chuẩn cao cho đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, tạo cầu nối hỗ trợ các DN khởi nghiệp bằng việc ưu tiên sự hợp tác lâu dài, công bằng, minh bạch.

Hay mới đây nhất, hai nhà sáng lập Quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam Bình Trần và Eddie Thái cũng đã cho ra mắt một quỹ đầu tư mới có tên Ascend Vietnam Ventures (AVV) và trở thành công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn seed (hạt giống) mới nhất ở Việt Nam.

Ông Eddie Thái cho biết, hệ sinh thái startup của Việt Nam đã phát triển và cần phải thay đổi chiến lược để bắt kịp với xu thế mới. Chính vì lẽ đó, trong vòng 3 năm tới, mục tiêu của AVV là đầu tư từ 500 nghìn cho tới 2 triệu USD vào 25 startup trong giai đoạn hạt giống. Một phần ba số công ty này sẽ được AVV đầu tư bổ sung ở các vòng gọi vốn sau với số vốn lên tới 4 triệu USD cho mỗi công ty.

Thúc đẩy các hệ sinh thái khởi nghiệp chuyển mình

Thời gian qua, hệ sinh thái startup ở Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Ở thời điểm quỹ 500 Startups Vietnam, Việt Nam vừa hiếm người làm startup công nghệ vừa hiếm nguồn lực hỗ trợ cho startup nhưng trong bối cảnh phát triển hiện nay đã hoàn toàn đổi khác vì thế các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng nhanh nhạy thay đổi chiến lược của mình để bắt kịp với xu thế mới. Ngoài ra, Việt Nam sẽ sớm trở thành thủ phủ công nghệ mới, thực hiện chiến lược mở cửa để toàn cầu hoá, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, thúc đẩy các startup công nghệ trở nên nhạy bén hơn, hoà nhập sâu rộng với thế giới.

Theo báo cáo quý I/2021 mới được Nextrans - Quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc công bố, trong 3 tháng đầu năm 2021 ghi nhận có 16 thương vụ đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt Nam với tổng giá trị các khoản đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD. Các startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đứng đầu với 4 thương vụ, tiếp đó là lĩnh vực logistics, lưu trú, bất động sản, giáo dục và y tế.

Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans tại Việt Nam, có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu tư năm 2015 - 2016 thì đến nay là thời điểm chín muồi và có nhiều startup trưởng thành hơn. Do đó ở các thương vụ gọi vốn, các startup này sẽ gọi vốn đầu tư lớn hơn từ 5-10 triệu USD, thậm chí những công ty như Momo đã lên đến trăm triệu USD. Đây là sự trưởng thành tất nhiên của các startup mà không phải ngẫu nhiên. Và nếu nhìn theo tiến trình phát triển thì trong những năm tiếp theo, giá trị các thương vụ đầu tư sẽ còn tiếp tục cao hơn nữa theo hướng đi lên.

Theo Ngọc Thảo
Cùng chuyên mục