Đà phục hồi của Trung Quốc chững lại, giới chuyên gia lo ngại điều gì?

16/08/2021 16:30 GMT+7
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc Trung Quốc công bố các dữ liệu tiêu dùng và sản xuất gây thất vọng trong tháng 7 qua nhiều khả năng gây áp lực lên đà phục hồi kinh tế toàn cầu, theo phân tích của tờ Bloomberg.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS công bố, doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 11,5% mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò của Reuters. Sản lượng công nghiệp tăng 6,4% trong cùng kỳ, cũng thấp hơn kỳ vọng 7,8%, theo Reuters.

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 7 đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt sau khi 15 tỉnh thành tại quốc gia này ghi nhận các ca nhiễm mới Covid-19. Doanh số bán ô tô thấp hơn do cuộc khủng hoảng chip cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng của lĩnh vực bán lẻ Trung Quốc, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại và các chính sách sách môi trường của Bắc Kinh làm giảm đáng kể sản lượng thép và xi măng, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu.

Trong bối cảnh làn sóng dịch đang bùng phát ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc một lần nữa phản ánh sức tàn phá mà biến thể delta có thể gây ra với nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi. 

Tuần trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã phải đóng cửa một phần cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng container bận rộn thứ ba toàn cầu khi một công nhân xét nghiệm dương tính với Covid-19. Động thái này có nguy cơ làm trì trệ thêm chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã gián đoạn trong suốt đại dịch, nhất là ở thời điểm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang bận rộn chuẩn bị cho mùa mua sắm Giáng sinh và cuối năm.

Đà phục hồi của Trung Quốc chững lại, giới chuyên gia lo ngại điều gì? - Ảnh 1.

: “Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát thì điều này sẽ tạo nên thách thức mới với phần còn lại của thế giới" (Ảnh: Bloomberg)

Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong cho biết: “Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát thì điều này sẽ tạo nên thách thức mới với phần còn lại của thế giới do nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy yếu”.

Là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, được mệnh danh là công xưởng sản xuất của thế giới, Trung Quốc đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Một minh chứng tiêu biểu: hôm 2/8, giá dầu thế giới đã giảm mạnh sau khi một cuộc khảo sát cho thấy tốc độ tăng trưởng hoạt động nhà máy Trung Quốc giảm đáng kể trong tháng 7. Là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai hành tinh, do đó bất kỳ biến động nào của nền kinh tế Trung Quốc đều có ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ.

Nhìn chung, triển vọng của Trung Quốc giờ đây phụ thuộc vào việc liệu Bắc Kinh có sớm nới lỏng các hạn chế kiểm dịch Covid-19 hay không, hoặc chính phủ có tăng cường các kích thích tài khóa và tiền tệ để ngăn chặn đà giảm tốc mạnh hơn trong nền kinh tế hay không. Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) tại các ngân hàng thương mại, một động thái ước tính sẽ bơm khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ thanh khoản vào thị trường trong dài hạn.

Các chuyên gia kinh tế dự báo điều gì?

Theo Bloomberg Economics, việc Trung Quốc công bố hai dữ liệu kinh tế đáng thất vọng trong tháng 7 không đồng nghĩa đà phục hồi của nền kinh tế này đang đi lệch hướng. Sự giảm tốc chủ yếu tập trung vào mảng doanh số bán lẻ, phản ánh tác động của đợt bùng phát dịch gần đây. Tác động có thể lớn hơn trong tháng 8, ngay cả khi có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm kiểm soát được lần bùng phát này.

Dữ liệu sản lượng công nghiệp tăng chậm hơn phản ánh tác động từ việc Bắc Kinh siết chặt quy định trong lĩnh vực môi trường cũng như thanh lọc rủi ro trên thị trường bất động sản. Theo tính toán của Bloomberg, trong tháng 7, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng khi các ông lớn trong ngành bắt đầu thực hiện cam kết giảm sản lượng để hạn chế phát thải. Sản lượng xi măng cũng giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp, cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong hạn chế các dự án đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng kém hiệu quả để kiểm soát gánh nặng nợ. 

Các nhà máy cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong tháng 7, bao gồm sự kéo dài của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu cũng như trận lũ lụt lịch sử ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, nơi đặt hàng loạt nhà máy sản xuất ô tô và iPhone lớn nhất cả nước.

Dù vậy, ông Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia khẳng định Trung Quốc sẽ duy trì “sự phục hồi ổn định” trong nửa cuối năm nay. Dự kiến các hỗ trợ chính sách từ nay đến cuối năm mà Bắc Kinh đưa ra sẽ tập trung vào khía cạnh tài khóa. 

Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng chuyên thị trường Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ cho biết: “Dữ liệu tháng 7 cho thấy nền kinh tế đang đuối sức sức rất nhanh. Sự hồi sinh dịch Covid-19 do biến thể delta lây lan nhanh cũng tạo sức ép đáng kể lên tăng trưởng kinh tế trong tháng 8”. Trước đó, các nhà kinh tế ANZ đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc xuống 8,3%.

Ông Lu Ting, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Nomura Holdings Inc cũng đồng quan điểm khi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm nay do Bắc Kinh quay lại thắt chặt lĩnh vực bất động sản để giảm gánh nặng nợ đã phình to của nền kinh tế. Ông Lu cho rằng PBOC sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay, mà thay vào đó có khả năng tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc RRR của các ngân hàng thương mại.


NTTD
Cùng chuyên mục