Đắk Lắk: Nhiều thách thức trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm

06/10/2019 10:02 GMT+7
Trong việc xây dựng nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Đăk Lăk đặt ra đó chính là phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Trong đó việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chính là hướng đi tất yếu.

Sản xuất hàng hóa được coi trọng

Năm 2016, sau khi phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Đăk Lăk đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản.

 
Đắk Lắk: Nhiều thách thức trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm - Ảnh 1.

Mô hình trồng nhãn theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã Quang Minh (huyện M'Đrăk, Đăk Lăk) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Duy Hậu


Theo kế hoạch, giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh Đăk Lăk sẽ có từ 10 - 15 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được xây dựng và thử nghiệm thành công, tập trung ở các sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy sản nuôi; giai đoạn 2020 - 2025 có ít nhất 50% sản lượng nông, lâm, thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có bức xúc về an toàn thực phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Trong đó đáng chú ý tại Quyết định số 2662/QĐ-UBND ngày 26/9/2017, tỉnh Đăk Lăk đã ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025. Các đơn vị liên quan cũng tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương triển khai và thực hiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn; định kỳ kiểm tra, đánh giá, xếp loại.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Ngành nông nghiệp tỉnh này cũng đã tăng cường công tác thông tin truyền thông, triển khai lựa chọn các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời định hướng cho một số doanh nghiệp mở các điểm bán các sản phẩm nông sản an toàn.

Từ những nỗ lực trên, đến nay, Đăk Lăk đã có hàng chục cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi; hàng chục hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp các mặt hàng nông sản như: Cà phê, ca cao, rau, lúa, nấm...; hàng trăm trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp Công ty cổ phần C.P Việt Nam theo hình thức nuôi gia công…

HTX nông nghiệp Mắc ca Tân Định (xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) nếu trước đây chỉ bán sản phẩm thô thì nay đã nghiên cứu, chế tạo dây chuyền chế biến mắc ca với công suất 6 tấn/năm; sản xuất ra tinh dầu, rượu và một số sản phẩm khác từ mắc ca. Hiện đơn vị đã có cho ra sản phẩm “Mắc ca Chiến Thắng”, nhãn hiệu đã được công nhận, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công (ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar) hiện đã liên kết với gần 100 nông dân phát triển cây có múi theo chuỗi giá trị. Hiện nay hợp tác xã này đã được cấp Giấy chứng nhận “Sản xuất cam, quýt, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP”…

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, ông Vũ Văn Đông khẳng định, việc sản xuất theo chuỗi giá trị chính là đổi mới tổ chức sản xuất, thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết, phát triển chế biến, thương mại - dịch vụ nông sản; giúp sản phẩm tăng cao giá trị, an toàn, bền vững và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản;  quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu...

Trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh cũng xác định tập trung đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất, sản phẩm với thị trường ổn định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai thực hiện việc này như thiếu các "bà đỡ" là các doanh nghiệp; nông dân hiện vẫn chủ yếu sản xuất tự phát với các mô hình nhỏ lẻ manh mún; nhiều hợp tác xã vẫn loay hoay với việc kết nối thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Ông Vũ Văn Đông cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra 7 nhóm giải pháp. Trong đó có 2 nhóm giải pháp quan trọng về đầu tư và hỗ trợ sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Theo đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất, đặc biệt là các vùng sản xuất tập trung tham gia mô hình chuỗi từ nguồn vốn nông thôn mới và các nguồn vốn khác; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia mô hình chuỗi một số trang thiết bị, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường để tự giám sát một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; hỗ trợ ban đầu khâu nhận diện, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiếp cận với các cơ sở tín dụng có nguồn vay vốn ổn định, lãi suất ưu đãi; tổ chức các hội chợ, hội nghị trong nước, quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Cũng theo ông Vũ Văn Đông, để phát triển sản xuất theo chuỗi, về phía người dân cần nâng cao nhận thức. Các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất khi tham gia chuỗi cần kết nối với những doanh nghiệp thu mua chính thống để hạn chế rủi ro. Trong quá trình sản xuất theo chuỗi có những khó khăn về mặt kỹ thuật, vốn, tiếp thị, thương mại thì cần tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Dân Việt
Cùng chuyên mục