Để tuồn chất thải chưa qua xử lý, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà có phải bồi thường?

22/10/2019 16:29 GMT+7
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, nếu Công ty CP gốm sứ Thanh Hà không biết mục đích sử dụng chất thải là để gây ô nhiễm môi trường thì không có cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm với các đối tượng đã bị khởi tố. Tuy nhiên, vẫn có thể xem xét trách nhiệm của công ty này trong việc quản lý chất thải.

Liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, mới đây, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã phối hợp với các cơ quan chức năng làm việc với Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (CTH) - nơi cung cấp dầu thải cho các nghi can.

Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà đã cung cấp cho báo chí Biên bản làm việc này. 

Theo nội dung biên bản, tháng 9/2019, Lý Đình Vũ (SN 1982, trú ở Bắc Ninh) đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1988, con gái ông Truyền) đề xuất việc xử lý, tái chế dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được bà Trang đồng ý.

Để tuồn chất thải chưa qua xử lý, Cty gốm sứ Thanh Hà có phải bồi thường cho người dân Hà Nội? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tuyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà cam kết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm các cá nhân trong công ty có liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải.

Theo thỏa thuận miệng đôi bên, bà Trang sẽ trả cho Vũ số tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.

Đến sáng 7/10, Vũ đến Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà để thu mua dầu thải nhưng bà Trang đi vắng. Sau khi Vũ gọi điện, bà Trang cho biết giao lại cho ông Trần Thành Trung (SN 1975, phụ trách kho vật tư công ty) thay mình bán dầu thải.

Khoảng 8h ngày 7/10, xe tải mang BKS 99C-087.83 do Nguyễn Chương Đại (SN 1994, người được Vũ thuê, trú tại Bắc Ninh) cầm lái vào trong công ty để thu gom dầu. Đi cùng xe của Đại còn có Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại Lạng Sơn).

Ông Trung gặp Đại và Thám để thực hiện việc chuyển giao dầu thải cho những người này.

Nhóm người này sử dụng bơm có sẵn trên xe để hút dầu thải từ 4 téc và các thùng dầu còn lại. Sau khi thu gom xong, trọng lượng dầu thải trên xe mà Vũ đã thu mua khoảng 8.830 kg (theo phiếu cân số 8063 của công ty).

Công ty CP gốm sứ Thanh Hà phải chịu trách nhiệm thế nào?

Trao đổi dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện theo điều tra thì gần 9 tấn chất dầu thải được bà Trang thuê Vũ đi đổ, vì vậy bà Trang cũng là đồng phạm trong vụ án này.

Theo đó, con gái Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Thanh Hà cũng sẽ bị xem xét về "Tội gây ô nhiễm môi trường'' được quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017".

Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi theo quy định tại điều này, có thể bị phạt từ 3 đến 7 năm tù hoặc phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Để tuồn chất thải chưa qua xử lý, Cty gốm sứ Thanh Hà có phải bồi thường cho người dân Hà Nội? - Ảnh 3.

Công ty CP gốm sứ Thanh Hà.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với công ty bán hoặc để lọt chất thải, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng cần xem xét việc bán như vậy có đúng quy định pháp luật hay không? Hệ thống xử lý chất thải của công ty này được thực hiện như thế nào, để còn xem xét xử lý trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp Công ty gốm sứ Thanh Hà biết rõ mục đích sử dụng chất thải đó để gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng vẫn cố ý bán thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "gây ô nhiễm môi trường" với vai trò là đồng phạm.

Còn trường hợp Công ty không biết mục đích sử dụng chất thải đó là để gây ô nhiễm môi trường thì không có cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, vẫn có thể xem xét trách nhiệm của Công ty này đối với việc quản lý chất thải.

"Nếu điều tra chỉ dừng lại ở việc, con gái ông Chủ tịch HĐQT tự ý thuê các đối tượng kia đổ dầu thải mà không liên quan đến Công ty gốm sứ Thanh Hà thì công ty này không bị truy cứu về về Tội gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công ty này có thể bị xem xét trách nhiệm về quản lý, sử dụng chất thải của mình. Ở mức độ nào, xử lý ra sao cần được cơ quan điều tra tiến hành điều tra, làm rõ", luật sư Ứng nhấn mạnh.

Bàn luận về việc bồi thường cho người dân Hà Nội, theo luật sư Ứng, trách nhiệm này thuộc về Công ty CP sông Đà chứ không phải của Công ty gốm sứ Thanh Hà.  

"Việc các đối tượng đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm với Tội gây ô nhiễm môi trường. Còn việc gây hậu quả nghiêm trọng từ việc đổ dầu thải khiến hàng nghìn người Hà Nội bị ảnh hưởng sẽ chỉ làm tăng khung phạt chứ họ không có trách nhiệm bồi thường cho người dân. 

Tương tự như vậy, như đã nói ở trên Công ty CP gốm sứ Thanh Hà có thể bị xem xét trách nhiệm trong việc quản lý chất thải của mình, nhưng đối tượng này cũng không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của người dân Hà Nội. Nếu Công ty nước sông Đà muốn khởi kiện Công ty gốm sứ Thanh Hà thì đó là việc giữa hai bên", ông Ứng nói.

Năm 2016, Công an tỉnh Phú Thọ đã từng có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà số tiền 160 triệu đồng. Năm 2018, kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng đã nêu ra những tồn tại của công ty này, như chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; lò sấy của công ty được chuyển đổi từ than sang cám chưa báo cáo với cấp có thẩm quyền.


An Vũ
Cùng chuyên mục