Đề xuất khởi động lại dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Đến nay, nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên đã cho phép đơn vị tái khởi động dự án này. Nippon Koei đã làm việc với các địa phương (TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương) để thống nhất về chủ trương đầu tư, nhằm tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Đặc biệt, theo nhà đầu tư này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng có ý định tài trợ nguồn vốn cho dự án này, nếu UBND 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đồng ý khởi động lại dự án thì Công ty Nippon Koei sẽ thông báo với JICA và tiến hành cập nhật các thông tin. Từ nay đến thời điểm tuyến metro số 1 đi vào khai thác, đơn vị tư vấn sẽ phối hợp với các địa phương làm những thủ tục cần thiết để có thể khởi công được đoạn metro kéo dài này.
Công ty Nippon Kioe đề xuất, đoạn metro kéo dài sẽ là một dự án độc lập với tuyến metro số 1 hiện hữu, như vậy các thủ tục đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án tuyến metro kéo dài có hướng tuyến cụ thể là: từ Ga Suối Tiên hiện nay kéo dài thêm 2km đến khu vực Bình Thắng (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), xây dựng 1 nhà ga tại đây; sau đó tuyến metro sẽ tách ra đi theo 2 hướng về TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và đi trung tâm TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Hướng tuyến đi về TP.Biên Hòa hiện chưa có các điểm ga cố định mà chỉ là các nhà ga giả định nên cần phải tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu. Cũng theo ông Yoshiyuki Ishihara, mới đây nhóm nghiên cứu có thông tin về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ chuyển đổi công năng thành khu dân cư, do đó đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán để xác định hướng tuyến và điểm xây dựng nhà ga ở khu vực này.
Theo tính toán sơ bộ của nhóm nghiên cứu Nhật Bản, tổng chi phí để kéo dài metro từ TPHCM về Bình Dương và Đồng Nai khoảng 21.234 tỷ đồng.