Đề xuất tăng lương tối thiểu của Biden gần như vô dụng!

13/11/2020 16:36 GMT+7
Một nghiên cứu công bố mới đây cho thấy chính sách tăng tiền lương tối thiểu lên 15 USD/ giờ của Biden sẽ khiến 2 triệu người Mỹ mất việc làm, trong đó chủ yếu là phụ nữ và người lao động trẻ.

Joe Biden, người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 46 đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu của Mỹ lên 15 USD/ giờ. Biden lập luận rằng đây là con số hợp lý để duy trì mức sống cho người lao động Mỹ. Viện Chính sách kinh tế cũng đồng tình với Biden, cho rằng người lao động Mỹ xứng đáng nhận được mức lương tối thiểu cao hơn hiện nay.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố gần đây của hai chuyên gia David Macpherson từ Đại học Trinity (Texas) và William Even từ Đại học Miami (Ohio) chỉ ra rằng chính sách tăng lương tối thiểu lên 15 USD/ giờ của Biden sẽ khiến 2 triệu người Mỹ mất việc làm, trong đó chủ yếu là phụ nữ và người lao động trẻ.

Đề xuất tăng lương tối thiểu của Biden gần như vô dụng! - Ảnh 1.

Đề xuất tăng lương tối thiểu của Biden chưa chắc đã được thông qua nếu Đảng Cộng hòa vẫn nắm quyền kiểm soát Thượng viện

Giả sử Đảng Cộng hòa vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng viện, chính sách tăng lương tối thiểu lên 15 USD/ giờ của ông Biden chắc chắn sẽ bị gạt sang một bên. Quan điểm xuyên suốt của Đảng Cộng hòa là việc trả lương cho người lao động cao hơn giá trị sản lượng họ tạo ra sẽ khiến thị trường bị bóp méo, qua đó gây tổn thương nền kinh tế.

Nhưng Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đồng tình với Biden. Theo Cục Thống kê Lao động, khoảng 1,6 triệu người Mỹ hiện đang sống với mức lương dưới lương tối thiểu. Viện Chính sách Kinh tế ước tính có khoảng 40 triệu người lao động sẽ được tăng lương nếu áp dụng chính sách mức lương tối thiểu 15 USD/ giờ mà vị Tân Tổng thống đề xuất. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc tăng lương như vậy sẽ gây nên hiệu ứng gợn sóng cho nền kinh tế.

Tăng lương tối thiểu: người tiêu dùng, doanh nghiệp và người lao động đều không được lợi

Nếu một công nhân hiện đang kiếm được 13,75 USD/ giờ, cao hơn 6 USD/ giờ so với mức lương tối thiểu hiện tại; thì khi mức lương tối thiểu tăng lên 15 USD/ giờ, công nhân này sẽ được trả bao nhiêu? Liệu người này có được trả lương tới 21 USD/ giờ để duy trì cách biệt 6 USD so với những người đang nhận lương tối thiểu không?

Nếu áp dụng cách tăng lương như vậy, nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế là rất cao. Khoảng 80 triệu người Mỹ đang được trả lương theo giờ lao động. Việc tăng lương cho 40 triệu người trong số đó (theo ước tính của Viện Chính sách Kinh tế) sẽ dẫn tới tăng chi phí lao động trong doanh nghiệp. Để trang trải chi phí này, doanh nghiệp có thể phải tăng giá sản phẩm, dịch vụ; tức là vô hình chung phần chi phí lao động tăng lên có thể được chuyển sang người tiêu dùng.

Mức lương cao hơn đồng nghĩa với người lao động được trả nhiều hơn giá trị sản lượng mà họ tạo ra, cũng đồng nghĩa với tình trạng mất việc làm. Lý do họ mất việc rất đơn giản: người sử dụng lao động cảm thấy người lao động không đáng giá để trả 15 USD cho mỗi giờ làm việc. Họ có những lựa chọn thay thế ít tốn kém hơn. Chẳng hạn như thay thế sức lao động bằng công nghệ.

Ví dụ, trong hầu hết các nhà hàng fastfood, một công nhân sẽ làm các công việc nhận đơn hàng, chế biến thức ăn đơn giản và thanh toán. Nếu mức lương tối thiểu cho họ tăng lên 15 USD/ giờ đồng nghĩa với việc chi phí lao động cho công ty sẽ tăng hơn 33.000 USD/ người lao động mỗi năm. Doanh nghiệp rất có thể sẽ lựa chọn thuê ít lao động hơn, thay vào đó là đầu tư vào công nghệ. Màn hình cảm ứng để ghi nhận đơn hàng, việc thanh toán được thực hiện thông qua thẻ tín dụng ngay trên hệ thống. Robot sẽ đảm nhận công việc chế biến thức ăn. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận do chi phí lao động không tăng đáng kể.

Hãy nhìn lại trường hợp của chuỗi nhà hàng Unlimited sở hữu 35 chi nhánh ở bờ Tây nước Mỹ. Nhà hàng này đã nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái khi Seattle, San Francisco và Portland tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/ giờ. Trong đơn xin phá sản, phía Unlimited ghi rõ: “Trong 3 năm qua, lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm sút đáng kể do luật tăng tiền lương tối thiểu ở nhiều thành phố dọc bờ Tây Thái Bình Dương. Hệ quả là khiến cho tổng chi phí lao động hàng năm của doanh nghiệp tăng thêm 10,6 triệu USD”.

Bất kể các nhà phân tích kinh tế dân chủ biện minh ra sao, có một sự thật là việc tăng tiền lương tối thiểu luôn đi kèm với tăng tỷ lệ thất nghiệp. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế Mỹ đã giảm xuống mức 3,5% thấp nhất mọi thời đại. Nhưng trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở những người lao động có mức lương tối thiểu lên tới 13%. Nếu dự luật tăng mức lương tối thiểu quốc gia lên 15 USD/ giờ của Biden thực sự được thông qua, con số thất nghiệp ở những người có mức lương tối thiểu sẽ còn cao hơn đáng kể.

Ngay cả đối với những công nhân vẫn duy trì được việc làm, việc tăng lương tối thiểu mà không yêu cầu tăng sản lượng cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Những người lao động không cần làm gì mà vẫn được tăng lương gần gấp đôi so với mức lương tối thiểu cũ. Trong dài hạn, điều này tạo nên một tiền lệ xấu khi người lao động tin rằng họ sẽ được tăng lương bất kể năng suất làm việc ra sao. Nó cũng đi ngược lại quy tắc thị trường rằng một người nên được trả lương theo giá trị sản lượng mà người đó tạo ra. Để kiếm được nhiều tiền hơn, họ phải tìm cách đóng góp nhiều hơn.

Nhìn chung, việc tăng lương tối thiểu không có lợi cho người tiêu dùng, những người sẽ phải trả giá cao hơn; cũng không có lợi cho doanh nghiệp, những người phải trang trải chi phí lao động cao hơn. Nó càng không có lợi cho hầu hết người lao động, bởi dự báo chỉ ra việc tăng lương tối thiểu lên 15 USD/ giờ có khả năng khiến 2 triệu người rơi vào cảnh mất việc làm.

Ngay cả với những người lao động tay nghề thấp, mức lương tối thiểu tăng cũng không mang đến lợi ích trong dài hạn vì làm giảm động lực học hỏi nâng cao trình độ.

Do đó, đề xuất tăng lương tối thiểu lên 15 USD/ giờ của ông Biden gần như là vô dụng.

(Bài nhận định của Tiến sĩ Michael Busler, chuyên gia phân tích chính sách công đồng thời là giáo sư tài chính tại Đại học Stockton, California, Mỹ)


NTTD
Cùng chuyên mục