Đến lượt đại gia ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ
Đại gia ngân hàng Mỹ Goldman Sachs vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ quý 3 xuống 0,2%, tức còn 1,8%, viện dẫn những tác động tiêu cực lớn hơn dự kiến do chiến tranh thương mại.
“Chúng tôi dường như đã thấy trước những ảnh hưởng lớn từ xung đột thương mại” - chuyên gia kinh tế Jan Hatzius của Goldman Sachs cho hay hôm 11.8. “Những ước tính về tác động tâm lý và sự bất ổn trên thị trường tài chính trước các diễn biến căng thẳng thương mại vừa qua là yếu tố thúc đẩy chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng này”.
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã nóng lên suốt 1 vài tuần gần đây sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, điều mà phía Bắc Kinh cho rằng đã xóa sạch những nỗ lực đạt được tại cuộc gặp gỡ bên lề G20.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một tuần tồi tệ khi Trung Quốc làm suy yếu đồng NDT vượt quá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, điều khiến Mỹ nổi giận và ngay lập tức dán nhãn thao túng tiền tệ mặc cho Bắc Kinh khẳng định không hề muốn một cuộc chiến tranh tiền tệ với Washington. Đáp trả hành động của Mỹ, Trung Quốc cũng tỏ rõ lập trường cứng rắn khi tuyên bố ngừng nhập khẩu hàng nông sản, một trong những lĩnh vực quan trọng trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
“Tình hình tài chính, bất ổn chính sách, tâm lý thị trường và sự phân phối chuỗi cung ứng toàn cầu do chiến tranh thương mại sẽ tác động làm suy yếu tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến” - Hatzius cho hay. Nhà kinh tế học từ Goldman Sachs cũng cảnh báo gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chi phí đầu vào của các công ty Mỹ tại thị trường nội địa.
Từ tất cả những nguyên nhân trên, Goldman Sachs hiện ước tính tăng trưởng tích lũy GDP của Mỹ sẽ hạ xuống mức 0,6%, sau khi hạ dự đoán tăng trưởng 0,2%. Hatzius cũng đặt ra quan ngại về suy thoái kinh tế hiện hữu trong nền kinh tế do những tác động từ chiến tranh thương mại kéo dài.
Sau tất cả những động thái của Mỹ và Trung Quốc, giờ đây Goldman Sachs đã từ bỏ kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Hồi thứ Hai tuần trước (5.8), Morgan Stanley cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong khoảng 3 quý nữa nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và Trump tăng thuế từ 10% lên 25% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
“FED và các ngân hàng Trung Ương toàn cầu như Ngân hàng Châu Âu ECB chắc chắn sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nỗ lực này là không đủ để thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng cho đến khi những bất ổn thương mại chấm dứt hoàn toàn”.- Chetan Ahya, nhà kinh tế học từ Morgan Stanley nhận định.