Đến lượt Thái Lan dừng tiêm chủng vắc xin AstraZeneca

12/03/2021 14:33 GMT+7
Một quan chức Y tế ở Bangkok mới đây cho hay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và các thành viên trong Nội các hôm 12/3 đã tuyên bố tạm đình chỉ kế hoạch tiêm vắc xin AstraZeneca sau báo cáo về hiện tượng đông máu ở một số quốc gia châu Âu.

Trong cuộc họp báo cùng ngày của Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tại Bệnh viện Siriraj - Prasit Watanapa đã xác nhận tạm ngừng triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca ở Thái Lan sau khi hàng loạt quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Na Uy và Iceland đưa ra động thái tương tự.

Ông Kiattiphum Wongjit, thư ký thường trực của Bộ Y tế Công cộng cho biết Thái Lan có thể tạm dừng tiêm vắc xin để chờ đợi kết quả các cuộc điều tra tính an toàn của dòng vắc xin này vì cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á đã kiểm soát được làn sóng dịch bệnh thứ hai.

“AstraZeneca vẫn là một dòng vắc xin tốt nhưng sau những gì đã xảy ra, Bộ Y tế có cơ sở để tạm ngừng việc tiêm vắc xin trong thời gian ngắn” - ông Kiattiphum Wongjit phát biểu trước giới truyền thông.

Đến lượt Thái Lan dừng tiêm chủng vắc xin AstraZeneca - Ảnh 1.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha (giữa) và Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul (tráu) phát biểu trước giới truyền thông

Còn Yong Poonvorawan, một chuyên gia virus học Thái Lan thì nhận định rằng các cuộc điều tra hiện tại sẽ xem xét liệu có bất kỳ vấn đề nào về tính an toàn trong các lô hàng vắc xin ở châu Âu hay không. Ông này nhấn mạnh rằng dòng vắc xin mà Thái Lan sử dụng để tiêm chủng đều được sản xuất ở châu Á và không liên quan gì đến lô vắc xin đang bị điều tra ở châu Âu.

Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận hơn 26.500 ca nhiễm Covid-19 và 85 ca tử vong trên tổng dân số 66,5 triệu người. Làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát vào tháng 12 hiện đã được kiểm soát gần như toàn bộ với dưới 100 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Chiến lược tiêm chủng tổng thể của Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào dòng vắc xin AstraZeneca. Vắc xin này dự kiến sẽ được sản xuất tại địa phương bởi một công ty thuộc sở hữu nhà nước nhằm mục tiêu cung cấp khoảng 61 triệu liều vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất dự kiến tháng 6 mới đi vào hoạt động, do đó Thái Lan đã bắt đầu triển khai tiêm chủng với vắc xin nhập khẩu trước tiên. Nước này cũng đặt hàng vắc xin Covid-19 của Sinovac, một tập đoàn dược phẩm công nghệ sinh học Trung Quốc. 

Cho đến nay, Thái Lan đã tiến hành tiêm chủng khoảng 40.000 liều trong số 200.000 liều vắc xin CoronaVac của Sinovac. Nước này cũng nhận được 117.300 liều vắc xin AstraZeneca vào tuần trước.

Hôm 11/3, Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố sẽ tạm ngừng tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi xuất hiện báo cáo về các trường hợp đông máu nghiêm trọng ở những người đã được tiêm dòng vắc xin này. Thông báo được Đan Mạch đưa ra sau khi Áo hồi đầu tuần này cũng đình chỉ việc sử dụng lô ABV5300 vắc xin AstraZeneca. Theo báo cáo ở Áo, đã có một trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh đa huyết khối (hình thành cục máu đông trong mạch máu) và tử vong 10 ngày sau khi tiêm vắc xin, còn một người khác phải nhập viện vì chứng thuyên tắc phổi cũng sau khi tiêm vắc xin.

 “Chưa thể kết luận liệu có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc xin và hiện tượng đông máu ở người được tiêm vắc xin hay không” - cơ quan Y tế Đan Mạch cho hay. Được biết, cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng đang mở một cuộc điều tra về dòng vắc xin này sau khi báo cáo cho biết đã có một bệnh nhân tử vong.

Ông Søren Brostrøm, Giám đốc Hội đồng quốc gia Y tế Đan Mạch cho hay việc tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca trong 14 ngày là một biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh cuộc điều tra được khởi động. “Điều quan trọng chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng tôi không chọn cách ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca, mà chúng tôi chỉ tạm dừng tiêm vắc xin. Có nhiều bằng chứng cho thấy dòng vắc xin này đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Nhưng cả tôi và Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch cần phải phản ứng với các báo cáo về nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra ở Đan Mạch và các quốc gia châu Âu khác”.


NTTD
Cùng chuyên mục