ĐHĐCĐ Nam Long: Vốn đã sẵn sàng và có 7 ngân hàng giữ chính sách tài trợ khách mua bất động sản

27/04/2022 14:07 GMT+7
Không thể tránh khỏi “lụt cả làng” khi vốn chảy vào bất động sản bị siết, nhưng Nam Long đã sẵn sàng nguồn vốn phát triển năm 2022. Hơn nữa, có đến 7 ngân hàng không thay đổi chính sách cho vay, sẵn sàng cấp khoản vay cho khách hàng của Nam Long.

Đây là thông tin được lãnh đạo của CTCP Đầu tư Nam Long (Nam Long, HoSE: NLG) trả lời chất vấn của cổ đông tại kỳ họp thường niên năm 2022 tổ chức ngày 23/04/2022.

Nam Long hiếm khi xảy ra biến động về giá cả và lãi suất

Ông Nguyễn Xuân Quang, chủ tịch Nam Long cho biết, Nam Long không thể tránh khỏi khó khăn do việc thắt chặt nguồn vốn vào bất động sản. "Lụt là lụt cả làng", nhưng Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban lãnh đạo Nam Long đã chuẩn bị sẵn sàng cho những vấn đề này.

Chiến lược đầu tiên của Nam Long là hợp tác cùng phát triển với các đối tác quốc tế, đối tác có nguồn lực mạnh như Hankyu, NNR, Keppel Land,…, và sử dụng các năng lực không chỉ phát triển đô thị mà còn có năng lực tài chính. Bên cạnh đó, Nam Long cùng các đối tác có khả năng huy động vốn ở những thị trường có giá rẻ. Trong các chương trình làm việc liên doanh giữa Nam Long và các đối tác nước ngoài, ngoài chuyên đối tác chuyển tiền để cùng liên doanh phát triển dự án, sẽ có ngân hàng hỗ trợ cho vay, kết hợp lãi suất vay trong nước và nước ngoài để đều xuất mức lãi suất cạnh tranh cho khách hàng. Do đó, ở Nam Long hiếm khi xảy ra biến động về giá cả và lãi suất.

Ngoài ra, Nam Long là doanh nghiệp niêm yết uy tín, khi thực hiện các công việc như chào bán cổ phần riêng lẻ sẽ nhận được ủng hộ của rất nhiều cổ đông và nhà đầu tư.

Cuối cùng, Nam Long đang có chiến lược lâu dài để xây dựng uy tín trên thị trường tài chính, nỗ lực để lấy được điểm đánh giá cao về uy tín tài chính. Nam Long đã thành công trong việc huy động vốn trái phiếu từ phía Keppel Land, IFC…. Gần đây nhất, IFC đã thỏa thuận đầu tư cho Nam Long 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu dài hạn.

"Đây chính là chiến lược phát triển của Nam Long, và chúng tôi đang từng bước phát triển kênh huy động vốn để có thể huy động vốn ngoài biên giới", ông Nguyễn Xuân Quang cho hay.

ĐHĐCĐ Nam Long: Vốn đã sẵn sàng và có 7 ngân hàng giữ chính sách tài trợ khách mua bất động sản - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CTCP Đầu tư Nam Long tổ chức thành công ngày 23/04/2022

Theo Giám đốc đầu tư Nam Long, trong năm 2022, Nam Long không có kế hoạch tăng vốn điều lệ, ngoại trừ việc phát hành cổ phiếu theo chính sách ESG.

Về kế hoạch vay nợ năm 2022, Nam Long mới thực hiện huy động vốn trái phiếu dài hạn 1.000 tỷ đồng với IFC tài trợ cho thực hiện đầu tư hạ tầng giai đoạn 2 dự án Waterpoint. Tổng chi phí đầu tư hạ tầng dự kiến cho toàn dự án Waterpoint (190ha) hết 4.000-5.000 tỷ đồng. Ở giai đoạn 1 chi phí đầu tư hạ tầng khoảng 3.600 tỷ đồng đến từ 1.600 tỷ đồng tiền vay và 2.000 tỷ đồng từ bán sản phẩm hình thành tài sản trong tương lai. Đầu tư hạ tầng Waterpoint giai đoạn 2,  Nam Long sử dụng 1.000 tỷ đồng từ phát hành  trái phiếu cho IFC và và bán vốn cho đối tác nước ngoài.

"Vốn cho cho công ty dự án năm 2022 không có vấn đề nhờ Nam Long đã sẵn sàng các nguồn tài trợ", ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Nam Long trả lời cổ đông.

Có 7 ngân hàng không thay đổi chính sách cho vay với khách hàng của Nam Long

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Kinh doanh & Tiếp thị của Nam Long cho biết, Nam Long đã làm việc trực tiếp với 7 ngân hàng từ trước tới nay vẫn thường xuyên tài trợ cho khách hàng của Nam Long trong việc mua các sản phẩm của công ty. Và các ngân hàng cho biết, sẽ không thay đổi chính sách cho vay và vẫn sẵn sàng cấp khoản vay cho khách hàng của Nam Long đối với các dự án của Nam Long có đầy đủ hồ sơ pháp lý, quy hoạch, giấy phép bán hàng.

Cùng với việc có đầy đủ hồ sơ pháp lý cũng như cam kết ủng hộ mạnh mẽ từ các ngân hàng thì đây là lợi thế cho việc bán hàng của Nam Long trên thị trường trong bối cảnh tín dụng vào bất động bị kiểm soát chặt.

Chiến lược phát triển quỹ đất của Nam Long là không đi vào vùng da beo mà phát triển quỹ đất bám theo các hệ thống phát triển hạ tầng giao thông, phát triển quy hoạch thuộc các vùng phát triển.

Chủ tịch Nam Long, Nguyễn Xuân Quang.

Theo kế hoạch, năm nay, tổng doanh số bán hàng của Nam Long sẽ đạt mốc 1 tỷ USD, tương ứng 23.400 tỷ đồng, đến từ 2 nhóm dự án: (i) nhóm dự án cũ đã triển khai trong các năm trước và tiếp tục mở bán trong năm nay Southgate, Mizuki Park, Akari; (ii) các dự án mới như Izumi City (Đồng Nai), giai đoạn tiếp theo của dự án Cần Thơ 43ha, dự án PG Hải Phòng (dự kiến QIV/2022), dự án Paragon Đại Phước (dự kiến QIV/2022).

Riêng trong quý II/2022, Nam Long có kế hoạch mở bán giai đoạn tiếp theo của dự án Ehome Southgate (Waterpoint), dòng sản phẩm Flora Panorama tại dự án Mizuki Park, dự án Akari giai đoạn 2.

Năm 2021, Nam Long ghi nhận 5.206 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.478 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt vượt 5% và 8% kế hoạch đã đề ra. Đại hội quyết phương án sử dụng gần 428 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2021, trong đó Nam Long đã thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền gần 214 tỷ đồng vào tháng 12/2021, phần còn lại gần 214 tỷ đồng sẽ được thanh toán trong quý II/2022.

Năm qua, tổng chi phí bán hàng chiếm khoảng 8% doanh thu, nằm trong kế hoạch phát triển dự án. Chi phí bán hàng trung bình của 1 dự án chiếm 7%-9% doanh thu, bao gồm chi phí hoa hồng môi giới, tài trợ cho người mua nhà, chi phí kinh doanh & tiếp thị, nhà mãu, chi phí liên quan đến chủ quyền….

Năm 2022, Nam Long đặt kế hoạch doanh thu thuần 7.151 tỷ đồng, tăng trưởng 37%; lợi nhuận sau thuế 1.526 tỷ đồng tăng 3%; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.206 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả đạt được năm 2021. Cổ tức kế hoạch bằng tiền 10%, trong đó Nam Long dự kiến sẽ tạm ứng cổ tức 5% trong tháng 12/2022 và 5% sau ĐHĐCĐ năm 2023.

Đại hội cũng đã thông qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho các thành viên HĐQT năm 2022, phát hành gần 1,5 triệu cổ phiếu theo chính sách thưởng khuyến khích dài hạn cho lãnh đạo cao cấp năm 2021.

Lợi nhuận quý I/2022 của Nam Long khoảng 200 tỷ đồng, trong đó bao gồm việc ghi nhận lợi nhuận từ việc bán lại phần vốn góp của Công ty Paragon. Với giao dịch này, các bán đối tác đã ký hợp với Nam Long và đã chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục chuyển tên và cập nhật giấy chứng nhận đầu tư hơi chậm so với dự kiến. Vì vậy, khoản lợi nhuận dự kiến 350 tỷ đồng từ thương vụ trên sẽ được dời lại và ghi nhận trong các quý sau của năm 2022.

Tính từ đầu năm đến nay Nam Long đã ghi nhận doanh số (pre-sale) khoảng 6.000 tỷ đồng và được IFC (thuộc World Bank) rót vốn 1.000 tỷ đồng (44 triệu USD) vào giai đoạn 2 của khu đô thị Waterpoint, Long An thông qua việc mua trái phiếu do NLG phát hành.

Thanh Giang
Cùng chuyên mục