Nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan: bí kíp trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới

17/09/2020 17:01 GMT+7
Nhìn từ trên không, Hà Lan không giống quốc gia nông nghiệp lớn nào. Không có những cánh đồng canh tác dày đặc, không có những thửa ruộng bạt ngàn hoa màu trải dài ngút tầm mắt. Nhưng Hà Lan lại là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ nhờ ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Tại một cánh đồng khoai tây gần biên giới Bỉ, người nông dân Hà Lan Jacob van den Borne đang điều khiển chiếc máy gặt thu hoạch hoa màu. Cabin máy gặt với đầy đủ tiện nghi khiến công việc làm nông trở nên nhẹ nhàng vô cùng. Từ cabin này, Jacob theo dõi được hai chiếc drone bay khắp cánh đồng. Những chiếc drone này có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ mọi thông số chi tiết về đất đai bao gồm tính chất hóa học, hàm lượng nước, hàm lượng dinh dưỡng và cả tiến trình mùa vụ từ khi gieo trồng đến ngày thu hoạch. 

Quy trình sản xuất của Jacob là điển hình cho kiểu canh tác nông nghiệp công nghệ cao hiện đại tại Hà Lan - quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới hiện nay. Với quy trình như vậy, năng suất cho mỗi mẫu Anh (khoảng 4km2) khoai tây lên tới 9 tấn.

Diện tích chỉ bằng 1/8 Việt Nam, vì sao Hà Lan trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới? - Ảnh 1.

Bên trong cabin máy thu hoạch khoai tây của nông dân Hà Lan

Diện tích chỉ bằng 1/8 Việt Nam, vì sao Hà Lan trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới? - Ảnh 2.

Drone không người lái giúp đo lường các thông số chi tiết của đất đai để phục vụ canh tác hiệu quả cao

Điều đáng ngạc nhiên là Hà Lan chỉ là quốc gia nhỏ với diện tích khoảng 41.543km2 (tức chỉ bằng 1/8 diện tích Việt Nam) và mật độ dân số lên tới 1.300 cư dân/ dặm. Đất nước này không có hầu hết những nguồn lực được cho là cần thiết để phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, Hà Lan luôn là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ - quốc gia có diện tích gấp 270 lần Hà Lan. 

Năm 2019, giá trị xuất khẩu nông sản của Hà Lan đạt 94,5 tỷ EUR. Sản lượng cà chua được sản xuất ở Hà Lan nhiều gấp đôi Pháp. Hà Lan cũng là quốc gia xuất khẩu hoa lớn nhất thế giới. Sữa từ Hà Lan phục vụ 5% thị trường toàn cầu. Đất nước này còn xuất khẩu nhiều công nghệ nông nghiệp, máy móc nông nghiệp ra nước ngoài và thu về lợi nhuận lớn. Làm thế nào đất nước nhỏ bé này có thể thực hiện điều phi thường ấy?

Diện tích chỉ bằng 1/8 Việt Nam, vì sao Hà Lan trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới? - Ảnh 3.

Khu phức hợp nhà kính, nơi người Hà Lan phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao

Nhìn từ trên không, Hà Lan không giống quốc gia nông nghiệp lớn nào. Không có những cánh đồng canh tác dày đặc, không có những thửa ruộng bạt ngàn hoa màu trải dài ngút tầm mắt. Hầu hết diện tích Hà Lan đều là những thành phố, vùng ngoại ô nhộn nhịp.

Bên rìa của đô thị là nông thôn, với những những khu nhà nhìn như tấm gương khổng lồ trải dài, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Chúng chính là khu phức hợp nhà kính đặc biệt của Hà Lan, nơi người Hà Lan dùng để canh tác cây trồng. Một số khu phức hợp có diện tích lên đến 175 mẫu Anh. Bên trong khu phức hợp trang trại được thiết kế là hệ thống điều tiết khí hậu cho phép quốc gia Bắc Âu với thời tiết lạnh giá trở thành nhà xuất khẩu trái cây, rau củ lớn bậc nhất thế giới. Hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu hạt giống rau củ trên toàn cầu bắt nguồn từ Hà Lan. 

Diện tích chỉ bằng 1/8 Việt Nam, vì sao Hà Lan trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới? - Ảnh 5.

Canh tác nông nghiệp với đèn LED tiên tiến có thể giúp tiết kiệm 90.000 EUR chi phí năng lượng hàng năm

Cách đây 2 thập kỷ, người Hà Lan đã đưa ra những cam kết quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững và nông nghiệp công nghệ cao. Kể từ những năm 2000, Jacob và những nông dân Hà Lan khác đã giảm 90% sự phụ thuộc vào nguồn nước trong việc gieo trồng các loại nông sản chính. Trồng một kg cà chua trên cánh đồng thông thường cần tới 60 lít nước, nhưng với các nhà kính và công nghệ hiện đại ở Hà Lan, người nông dân chỉ cần 15 lít nước. Lượng độ ẩm bay hơi cũng được tái sử dụng để chăm sóc cây trồng. Nông dân Hà Lan cũng gần như loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trên cây trồng trong nhà kính kể từ năm 2009. Còn các nhà chăn nuôi gia súc gia cầm thì cắt giảm tới 60% việc sử dụng thuốc kháng sinh.

Hà Lan cũng là nơi đặt những trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới, mà tiêu biểu là Đại học và Viện Nghiên cứu Wageningen (WUR), cách Amsterdam khoảng 50 dặm về phía Đông Nam. WUR được xem là “trái tim” của Thung lũng Thực phẩm - một cụm các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và trang trại. Cái tên Thung lũng Thực phẩm được đặt với hàm ý so sánh cùng Thung lũng Silicon chuyên về công nghệ của Mỹ. WUR phối hợp với Chính phủ Hà Lan trong các công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào canh tác nông nghiệp, qua đó đảm bảo tận dụng tối đa hiệu quả canh tác trên từng diện tích đất. 

Diện tích chỉ bằng 1/8 Việt Nam, vì sao Hà Lan trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới? - Ảnh 6.

Máy cảm biến giúp xác định thời điểm cây trồng cần tưới nước để tiến hành tưới nước tự động

Ví dụ, ngay khi một người nông dân Hà Lan nộp đơn xin hỗ trợ, WUR sẽ giúp kiểm tra trang trại của người này xem loại cây nào là phù hợp nhất và mang lại lợi nhuận lớn nhất. Chẳng hạn như WUR sẽ khuyên họ trồng hành tây trong những tháng nhất định, sau đó chuyển sang trồng cà rốt hay khoai tây, và năm sau nữa là ngũ cốc. Điều này giúp cho việc canh tác trở nên linh hoạt hơn và tối đa hóa lợi nhuận kinh tế trên diện tích đất nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ như vậy khác hẳn các quốc gia Châu Âu khác, nơi hầu hết nông dân chỉ được nhận trợ cấp tiền mặt thay vì hỗ trợ công nghệ.

Bên cạnh đó, Hà Lan cũng có mạng lưới giao thông kết nối tuyệt vời đến hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Cảng Rotterdam và sân bay Schiphol đóng vai trò to lớn trong việc kết nối với mạng lưới cung ứng toàn cầu, thúc đẩy quá trình xuất khẩu nông sản, thực phẩm tươi đi khắp thế giới hàng ngày. Hoa tươi được hái từ cánh đồng ở Hà Lan hôm trước có thể được chuyển đến Argentina hay Nhật Bản ngay trong ngày hôm sau.

Diện tích chỉ bằng 1/8 Việt Nam, vì sao Hà Lan trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới? - Ảnh 7.

Hoa tập kết ở nhà kho Aalsmeer, gần sân bay Schiphol để chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài

Nhu cầu cấp thiết phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên toàn cầu

Nhà khoa học thực vật Henk Kalkman tại Trung tâm Cải tiến Delphy cảnh báo rằng vào năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng từ gần 8 tỷ người hiện nay lên mức 10 tỷ người. Nếu không đạt được sự gia tăng lớn trong sản lượng nông nghiệp kết hợp với sự giảm mạnh nhu cầu sử dụng nước và nhiên liệu hóa thạch, ít nhất 1 tỷ người sẽ phải đối diện với nạn đói. “Số lương thực chúng ta cần trong 4 thập kỷ tới nhiều hơn những gì người nông dân thu hoạch trong suốt 8.000 năm qua” - ông Henk Kalkman cho hay.

Kỳ vọng được đặt lên Thung lũng Thực phẩm, nơi các chuyên gia cho biết họ đã tìm ra các giải pháp phù hợp. Đại học và Viện Nghiên cứu Wageningen đang triển khai hàng nghìn dự án tại hơn 140 quốc gia trên toàn cầu để chia sẻ những tiến bộ, ứng dụng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục