Tham vọng trở thành "Công ty tỷ đô", Digiworld dự trình lợi nhuận tăng 38%
Tham vọng trở thành "Công ty tỷ đô" liệu có khả thi đối với Digiworld?
Trong tài liệu, Digiworld dự trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 trở thành "Công ty tỷ đô" với doanh thu dự kiến đạt 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 490 tỷ đồng; lần lượt tăng 22% và 38% so với kết quả thực hiện được năm 2023.
Trên thị trường hiện tại, 1 tỷ USD tương đương gần 25.000 tỷ đồng. Với doanh thu dự kiến đạt 23.000 tỷ, tham vọng trở thành "công ty tỷ đô" của Digiworld là rất khó.
Năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 18.817 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 354 tỷ đồng, giảm 48%; tương ứng hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận.
Về định hướng năm nay, Digiworld cho biết: Công ty sẽ tiếp tục duy trì quan hệ bền chặt với các đối tác hiện có và tìm kiếm những đối tác tiềm năng mới. Mở rộng kênh phân phối đa ngành, nâng cấp cơ sở vật chất cũng như đội ngũ để phát triển ngành hàng mới, nâng cao thị phần, doanh thu và lợi nhuận.
Công ty xác định chọn ngành kinh doanh hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển dài hạn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng trưởng bền vững.
Mới đây, Digiworld đã bắt tay với HP Poly (thuộc tập đoàn HP) cung cấp giải pháp "phòng họp thông minh tích hợp công nghệ cao" tốt nhất, đáp ứng các nhu cầu đa dạng: phòng họp linh hoạt, phòng họp vừa và nhỏ, phòng họp vừa và lớn.
Digiworld muốn nâng vốn điều lệ lên gần 2.200 tỷ đồng
Hội đồng quản trị Digiworld cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chia cổ tức 2023 với tổng tỷ lệ 35%, bao gồm 5% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng) và 30% bằng cổ phiếu (100 cổ phiếu cũ sẽ được nhận thêm 30 cổ phiếu), nguồn vốn từ lãi sau thuế chưa phân phối.
Với hơn 167,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành DGW dự kiến phát hành khoảng hơn 50 triệu cổ phiếu để thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay.
Cũng tại Đại hội, DGW sẽ trình kế hoạch phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với tổng số lượng 2 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị cổ phiếu ESOP theo mệnh giá là 20 tỷ đồng. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Như vậy, thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu nêu trên, DGW dự kiến nâng số lượng cổ phiếu lên 219 triệu cổ phiếu, tương đương tăng vốn điều lệ gần 2.192 tỷ đồng.
Digiworld vay hạn mức tổng cộng 800 tỷ đồng tại Techcombank, không có tài sản bảo đảm
Ở một diễn biến khác, mới đây, Digiworld đã thông qua phương án vay ngắn hạn tại Ngân hàng Techcombank, thời hạn tối đa 4 tháng theo từng khế ước nhận nợ, tổng hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng và không có tài sản bảo đảm.
DGW cho biết vay vốn nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, mở LC mua bán hàng hóa/nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng nhanh, chăm sóc sức khỏe của Công ty.
Lãi suất sẽ được xác định theo quy định của Techcombank theo từng thời kỳ. Nguồn trả nợ từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu khác của DGW.
Tại thời điểm 31/12/2023, dư nợ vay của DGW ở mức 2.327 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, chiếm 31% tổng nguồn vốn. Hầu hết là vay ngắn hạn tại các ngân hàng như Vietcombank, HSBC Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, ANZ Việt Nam… đa phần không có tài sản bảo đảm.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/3, giá cổ phiếu DGW tăng 0,3% so với phiên giao dịch liền kề, hiện đang ở mức 65.800 đồng/cổ phiếu.
Digiworld thay đổi trụ sở chính từ số 195-197 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM sang địa chỉ mới là tầng 15, Tòa nhà Etown Central, số 11 Đoàn Văn Bơ, phường 12, quận 4, TP.HCM.