DN rượu vang Úc quằn quại vì mức thuế 'cắt cổ' 212,1% từ Trung Quốc

28/11/2020 09:43 GMT+7
Ít nhất 75 container rượu vang Úc đã mắc kẹt tại các cảng ở Trung Quốc từ đầu tháng 11 đến nay, sau lệnh cấm nhập khẩu hàng loạt sản phẩm xuất xứ từ Úc. Giờ đây, các nhà xuất khẩu rượu vang Úc sẽ còn phải đối diện với mức thuế chống bán phá giá lên tới 212,1%.
DN rượu vang Úc quằn quại vì mức thuế 'cắt cổ' 212,1% từ Trung Quốc - Ảnh 1.

DN rượu vang Úc quằn quại vì mức thuế 212,2% của Trung Quốc

Các nhà nhập khẩu rượu vang Úc tại Trung Quốc cho hay những lô container rượu vang bao gồm nhiều nhãn hiệu khác nhau đang bị đóng băng tại hàng loạt cảng như Thượng Hải và Ninh Ba kể từ ngày 6/11, khi chính phủ Bắc Kinh tuyên bố tạm đình chỉ nhập khẩu lúa mạch, đường, than đá, đồng, gỗ tròn, tôm hùm và rượu từ Úc.

Tiếp theo đó, đến hôm 27/11 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1% với mặt hàng rượu vang Úc. Mức thuế có hiệu lực ngay từ ngày 28/11, tức chỉ một ngày sau thông báo chính thức. Sau tuyên bố này, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham đã cảnh báo những lô hàng rượu vang đang tồn đọng tại các cảng và chưa được thông quan nhiều khả năng sẽ phải chịu mức thuế cao như vậy.

Một nhà xuất khẩu rượu vang Nam Úc giấu tên đã tỏ ra vui mừng vì kịp thời rút lại các lô hàng đến Trung Quốc, nhưng đồng thời không giấu sự thất vọng trước viễn cảnh tiêu cực khi căng thẳng Trung - Úc leo thang. “Tất cả những nỗ lực, cam kết, sự đầu tư của chúng tôi vào mối quan hệ với khách hàng Trung Quốc đều đổ sông đổ bể. Toàn bộ ngành công nghiệp bị tàn phá. Doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả những thất bại trong việc xử lý quan hệ ngoại giao của các chính trị gia”.

Còn ông Graeme Shaw, chủ sở hữu thương hiệu Shaw Wines thì cáo buộc các mức thuế mà Bắc Kinh đưa ra là hoàn toàn không hợp lý và thiếu cơ sở. 

Hồi tháng 8, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ bắt đầu hai cuộc điều tra về hoạt động bán phá giá và trợ cấp cho các doanh nghiệp rượu vang Úc sau khi nhận được đơn khiếu nại từ Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, sau 3 tháng điều tra về cáo buộc bán phá giá, kết quả sơ bộ cho thấy “có mối quan hệ nhân quả giữa việc Úc bán phá giá rượu vang và những thiệt hại vật chất (mà ngành công nghiệp rượu vang Trung Quốc phải gánh chịu)”

Các mức thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ dao động từ 107,1 đến 212,1% tùy theo từng loại và thương hiệu rượu. Ví dụ Treasury Wines Estate, chủ sở hữu thương hiệu rượu Penfolds nổi tiếng sẽ phải đối mặt với mức thuế 169,3%. Casella Wines, nhà sản xuất đứng sau thương hiệu Yellow Tail danh tiếng ở Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế 160,2%; trong khi Accolade Wines, chủ sở hữu Hardys Wines sẽ phải chịu mức thuế 160,6%. Các nhà xuất khẩu rượu vang nổi tiếng khác như Australian Vintage và Brown Brothers cũng sẽ phải đối mặt với mức thuế tương tự.

Những nhà sản xuất rượu vang Úc không được Bộ Thương mại chỉ định cụ thể sẽ phải chịu mức thuế tạm thời 212,1%, cao hơn mức thuế đề xuất ban đầu là 202,7% của Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc. Thuế áp dụng với tất cả các dòng rượu vang xuất xứ từ Úc có dung tích dưới 2 lit.

Mức thuế mới mà Bắc Kinh đưa ra cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng rượu vang Trung Quốc. Tại Quảng Châu, một nhà nhập khẩu rượu vang hảo hạng đã buộc phải hủy bỏ một đợt khuyến mại “khủng” sản phẩm rượu vang Úc sau khi thuế chống bán phá giá được công bố. “Chi phí nhập khẩu rượu vang Úc sẽ tăng ít nhất 10 lần. Trước tình huống không mong muốn này, chúng tôi xin lỗi vì đã hủy chương trình khuyến mãi đã được công bố” - thông báo được đăng tải trên tài khoản WeChat chính thức của doanh nghiệp. “Chúng tôi khuyên khách hàng nên tìm đến các mặt hàng rượu vang Chile hay Argentina thay cho rượu vang Úc”.




NTTD
Cùng chuyên mục