Doanh nghiệp nào “mát tay” trúng thầu Cao tốc Bắc – Nam?

23/09/2019 16:54 GMT+7
Hai liên danh nhà thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 703 – Tổng Công ty Thành An và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 đã được chọn làm doanh nghiệp thầu đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn.


Doanh nghiệp nào “mát tay” trúng thầu Cao tốc Bắc – Nam? - Ảnh 1.

Dự án đầu tư cao tốc Bắc – Nam gồm 11 dự án thành phần (Ảnh: Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - TEDI)

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 đoạn Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 3 dự án (cùng với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) được Nhà nước bố trí vốn sẵn nên chỉ tổ chức đấu thầu trong nước, không đấu thầu quốc tế.

Dự án này do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao cho đại diện chủ đầu tư.

Về phía tư vấn giám sát gồm có: Tổng công tư vấn thiết kế GTVT - CTCP, công ty tư vấn thiết kế GTVT 4, công ty CP tư vấn xây dựng giao thông 5, công ty CP Tấn Phát, công ty CP xây dựng VNC, công ty CP tư vấn Trường Sơn.

Bộ GTVT chia dự án trên thành 11 gói thầu xây lắp với quy mô mỗi gói là khoảng 500-600 tỷ đồng. Về công tác tổ chức đấu thầu sẽ theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định về đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu chọn ra được 2 liên danh nhà thầu để thi công dự án, cụ thể:

Gói thầu XL01 (Km0+000 - Km15+000) dài 15km do liên danh công ty CP Đầu tư và xây dựng 703 - tổng công ty Thành An thi công xây lắp. Giá trị gói thầu 510 tỷ đồng, thi công trong 24 tháng.

Gói thầu XL02 (Km15+000 - Km26+500) dài 11,5km do liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, công ty CP Xây dựng dịch vụ và thương mại 68, công ty CP Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam. Giá trị gói thầu là 575 tỷ đồng, thi công trong 24 tháng.

Đơn vị trúng thầu đều thuộc Bộ Quốc phòng nên nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng rất lớn từ Thủ tướng và nhân dân.

Hai đơn vị trên đã từng thi công xây lắp ở nhiều công trình dự án lớn như cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, QL18, QL1, QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đường vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện dài nhất Đông Nam Á…


Bên cạnh đó, 9 gói thầu còn lại của dự án Cam Lộ - La Sơn cũng sẽ được Bộ GTVT mời thầu vào tháng 10 tới. Dự kiến đầu năm 2020 sẽ đồng loạt chọn được các nhà thầy thi công trên cả 11 gói thầu.

Bộ GTVT cũng đưa ra tiêu chí mời thầu dự trên yêu cầu quy mô thiết kế của dự án. Nhà thầu nào đạt năng lực thi công (có kinh nghiệm từng thi công các dự án tương tự), đảm bảo thiết bị máy móc, kỹ thuật, con người, đặc biệt là năng lực về tài chính sẽ được lựa chọn.

Đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn (dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam) có chiều dài xây dựng là 98,35 km, trùng với đường Hồ Chí Minh, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Dự kiến đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ hoàn thành vào năm 2021. Khi hoàn thành cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của quốc lộ 1A khi tuyến đường đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố, đồng thời góp phần tạo động lực phát triển cho các tỉnh miền Trung.

Tuyến này đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà của tỉnh Quảng Trị và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mặt đường 2 làn xe, rộng 12m, vận tốc thiết kế 80km/h và sẽ được kết nối với tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp được đưa vào khai thác. Điểm đầu tại Km0 (Cam Lộ), thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại  Km 102+200 (La Sơn), trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Tuý Loan, thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo thông cáo của Bộ GTVT, việc xây dựng đường Cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn song song với QL1A hiện tại từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế) là cần thiết và cấp bách vì phù hợp với quy hoạch. Việc xây dựng tuyến đường phù hợp với các quy hoạch về kinh tế xã hội của các địa phương trong khu vực cũng như các quy hoạch giao thông của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, việc xây dựng này cũng phù hợp với nhu cầu vận tải hiện nay. Cùng với mạng đường sắt, thuỷ, bộ hiện có và đang được nâng cấp cải tạo, việc xây dựng một tuyến đường bộ có tiêu chuẩn kỹ thuật cao song song với QL1A thoả mãn nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian đi lại.

Theo quy hoạch phát triển không gian của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, một số khu cụm công nghiệp được mở rộng về phía Tây QL1A hiện tại, sự hình thành tuyến đường này sẽ gắn kết các khu cụm công nghiệp mới trong vùng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế phục vụ phát triển dân sinh.

Bộ GTVT cũng cho rằng, bên cạnh các tuyến vận tải Quốc lộ hiện hữu đang được cải tạo nâng cấp, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của nền kinh tế, cần thiết phải xây dựng song song các tuyến đường cao tốc. Với việc xây dựng đường cao tốc, giải quyết được vấn đề tốc độ xe chạy cao (đối với địa khu vực nghiên cứu tốc độ từ 80-100 km/h), năng lực thông hành lớn, an toàn xe chạy cao, chi phí vận doanh thấp, bảo đảm được giao thông thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết thay đổi, cả ngày và đêm.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục