Doanh nghiệp nhập thịt từ Hà Lan cẩn trọng bị lừa đảo

13/05/2022 15:46 GMT+7
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan vừa thông tin đến các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm từ Hà Lan một trang web giả mạo: https://lunenburgvleesbv.com/, doanh nghiệp cần cẩn trọng kẻo bị lừa đảo...

Doanh nghiệp nhập thịt lợn, thịt gia cầm từ Hà Lan lưu ý một trang web giả mạo

Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan thông báo đến các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu sản phẩm thịt heo và thịt gia cầm từ Hà Lan. Hiện tại xuất hiện một trang web giả mạo: https://lunenburgvleesbv.com/.

Doanh nghiệp nhập thịt từ Hà Lan cẩn trọng bị lừa đảo - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhập thịt lợn, thịt gia cầm từ Hà Lan lưu ý một trang web giả mạo.

Trang web có nội dung rất giống với trang web chính thức của công ty Lunenburg Vlees BV (số đăng ký kinh doanh 30124287), là công ty con thuộc Tập đoàn Westfort Holdings BV (số đăng ký 58346406): www.westfort.nl. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh thịt heo, thịt gia cầm, kinh doanh sản phẩm từ thịt.

Thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp nhập khẩu thịt từ thị trường Hà Lan cần cẩn trọng để tránh bị thiệt hại. Công ty Lunenburg Vlees BV chỉ có 1 trang web chính thức (cũng là trang web của Tập đoàn Westfort) là: www.westfort.nl.

Thời gian qua, thị trường tiêu thụ thịt đông lạnh tương đối trầm lắng vì vận chuyển khó khăn và giá thịt trong nước ở mức thấp so với giá trung bình nhiều năm trước. Từ đầu năm đến nay mặt hàng thịt và các sản phẩm đông lạnh ế ẩm dù giá thấp. Sức mua giảm đi một nửa so với các năm trước vì thịt tươi sống nội địa giá thấp và sau dịch bệnh người dân thắt chặt chi tiêu. 

Do nhu cầu yếu nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tiếp tục giảm trong quý I/2022. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, Việt Nam nhập khẩu 134,29 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 303,53 triệu USD, giảm 20,7% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt dự kiến sẽ tăng trở lại do Việt Nam mở cửa du lịch, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới. 

Doanh nghiệp nhập thịt từ Hà Lan cẩn trọng bị lừa đảo - Ảnh 2.

Thị trường tiêu thụ thịt đông lạnh tương đối trầm lắng vì vận chuyển khó khăn và giá thịt trong nước ở mức thấp so với giá trung bình nhiều năm trước.

Trong quý I/2022, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 40,04 nghìn tấn, trị giá 121,72 triệu USD, tăng 12,7% về lượng và tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò tiếp tục xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong quý I/2022, Việt Nam nhập khẩu 21,1 nghìn tấn thịt lợn (mã HS 0203), trị giá 46,06 triệu USD, giảm 34,8% về lượng và giảm 39,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến tiêu thụ thịt lợn trong nước không mấy khả quan, trong khi sản lượng lợn liên tục phục hồi. 

Trong quý I/2022, Brazil, Nga, Đức, Canada và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 7,99 nghìn tấn, trị giá 18,04 triệu USD, tăng 185,6% về lượng và tăng 181,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình kinh tế khó khăn cũng khiến nạn lừa đảo trong thương mại quốc tế tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng loạt trường hợp, có thể kể đến như vụ việc hàng chục container điều xuất khẩu của ta sang thị trường Ý hồi đầu năm; kế đó là trường hợp một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Sri Lanka bị lừa đảo chiếm đoạt 2 lô hàng với giá trị tài sản lên đến 113.000 USD.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục