Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng

04/08/2023 14:43 GMT+7
Tại hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan”, các đại biểu, doanh nghiệp của hai nước Việt Nam – Thái Lan đã thống nhất về sự quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, cần kết nối, hợp tác để cùng phát triển.

Đi tìm tiếng nói chung

Ngày 4/8, tại thành phố Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức hội nghị "Gặp gỡ Thái Lan" lần đầu tiên.

Sự kiện này nhân dịp kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan (2013-2023).

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 1.

Hội nghị "Gặp gỡ Thái Lan" có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Thái Lan đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Hội nghị có sự tham dự của Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, hàng chục tập đoàn, doanh nghiệp Thái Lan và đoàn đại biểu Ủy ban chính quyền 5 địa phương Thái Lan (Mukdahan, Ubon Ratchathani, Sakon Nakhon, Nakhon Phanom, Khon Kaen). Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, nhiều tỉnh, thành và doanh nghiệp trên cả nước.

Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các địa phương, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Thái Lan và tăng cường quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các đối tác Thái Lan; đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa các địa phương Thái Lan với các địa phương Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, Quảng Trị luôn hoan nghênh đón chào và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Vũ.

Bà Krittiya Petsee – chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách và kế hoạch, Trưởng phòng hợp tác quốc tế chiến lược, Ban Quan hệ quốc tế Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết, xu hướng giảm phát thải nhà kính cần tăng sản xuất điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… Đây là lĩnh vực mà cả hai nước quan tâm, có thể tìm hiểu, đầu tư, hợp tác để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế.

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 3.

Bà Krittiya Petsee – chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách và kế hoạch, Trưởng phòng hợp tác quốc tế chiến lược, Ban Quan hệ quốc tế Bộ Năng lượng Thái Lan cho rằng, năng lượng tái tạo là mối quan tâm lớn của Việt Nam và Thái Lan nên cả hai bên có thể nghiên cứu hợp tác đầu tư. Ảnh: Ngọc Vũ.

Bà Krittiya Petsee chia sẻ, Thái Lan đã triển khai năng lượng điện nổi. Cụ thể, Thái Lan có 9 hồ thủy điện lớn. Trên mặt hồ thủy điện, nhà đầu tư lắp hệ thống điện mặt trời. Nhờ vậy có thể tăng nguồn năng lượng điện trên cùng một đơn vị diện tích, tối ưu hóa đầu tư.

Ông Somkiet Pongpiyapaiboon – Giám đốc quốc gia, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Việt Nam, đại diện nhóm công tác về năng lượng của Thaicham, đánh giá cao những chính sách kịp thời của Chính phủ Việt Nam, trong đó có chính sách hướng đến trung hòa cacbon, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư năng lượng tái tạo, trong đó có doanh nghiệp Thái Lan.

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 4.

Ông Somkiet Pongpiyapaiboon – Giám đốc quốc gia, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Việt Nam, đại diện nhóm công tác về năng lượng của Thaicham mong muốn Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Somkiet Pongpiyapaiboon mong muốn Việt Nam tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách, môi trường đầu tư để doanh nghiệp Thái Lan đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam.

"Doanh nghiệp Thái Lan coi trọng, mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với câu nói của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, lấy sự hài lòng của nhà đầu tư làm thước đo của sự thành công trong kêu gọi đầu tư. Vì vậy, tôi hi vọng thời gian tới chúng ta sẽ hợp tác nhiều hơn" – ông Somkiet Pongpiyapaiboon nói.

Ông Wichan Chumnanya – Phó Giám đốc phụ trách năng lượng tái tạo, CP Việt Nam cho biết, xu hướng thế giới là giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, CP đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Việc làm cụ thể là đầu tư năng lượng sinh học rắn, năng lượng từ mặt trời. Bên cạnh đó, CP Việt Nam đưa máy tự động, robot vào sản xuất. Mục tiêu 2030, CP Việt Nam sẽ sử dụng 50% năng lượng tái tạo để chăn nuôi.

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 5.

Ông Wichan Chumnanya – Phó Giám đốc phụ trách năng lượng tái tạo, CP Việt Nam cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Wichan Chumnanya mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục được chính quyền các cấp ở Việt Nam tạo điều kiện để mở rộng quy mô đầu tư, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân Việt Nam và Thái Lan.

5 yếu tố kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây

Bà Somhatai Panichewa – đại diện Tập đoàn Amata (Thái Lan) nhấn mạnh, xây dựng hạ tầng thông minh, chuỗi cung ứng, logistics sẽ giúp cho việc hợp tác, đầu tư được hiệu quả hơn.

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 6.

Bà Somhatai Panichewa – đại diện Tập đoàn Amata (Thái Lan) cho biết, Amata đã có kinh nghiệm hàng chục năm đầu tư tại Việt Nam, từ khi tập đoàn còn nhỏ yếu, cho đến nay đã mạnh mẽ, trở thành doanh nghiệp lớn. Theo bà Somhatai Panichewa, môi trường đầu tư và hạ tầng là yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tiến sĩ Boonsub Panichakarn, Đại học Naresuan kiêm Chủ tịch mạng lưới học thuật về logistics ASSEA cho rằng, muốn kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây cần phải kết nối ngôn ngữ, đơn giản hóa thủ tục ở các cửa khẩu; nên học hỏi Châu Âu, tăng cường kết nối doanh nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông, trong đó cần có tuyến đường sắt hành lang kinh tế Đông Tây để tiết kiệm thời gian vận chuyển và cần tạo mạng lưới dữ liệu thông tin chung cho tuyến hành lang, phát triển công nghệ số và bảo vệ môi trường.

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 7.

Tiến sĩ Boonsub Panichakarn, Đại học Naresuan kiêm Chủ tịch mạng lưới học thuật về logistics ASSEA nêu ra 5 yếu tố kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tổng quan tại hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp của hai nước đã làm rõ những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trong đó có dư địa để đầu tư năng lượng tái tạo, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch, rác thải...

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 8.

Các đại biểu, doanh nghiệp hai nước Thái Lan - Việt Nam khẳng định rằng, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các nước và cả khu vực. Ảnh: Ngọc Vũ.

Các đại biểu hai nước Việt Nam – Thái Lan cũng khẳng định, hành lang kinh tế Đông Tây dài 1.450km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam có dư địa phát triển rất lớn, cần được kết nối, khai thác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhân dân.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương của Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam, cùng nhau phát triển, chiến thắng.

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 9.

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của hai nước Việt Nam - Thái Lan. Ảnh: Ngọc Vũ.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ khai trương Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam - Thái Lan, có quy mô 40 gian hàng, trưng bày, quảng bá ấn phẩm về du lịch, văn hóa, xúc tiến đầu tư và sản phẩm thương mại tiêu biểu của các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan.

Việt Nam "Gặp gỡ Thái Lan" để khẳng định một việc quan trọng - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Công ty Đất thép Vina (ngoài cùng bên phải) cho biết, hội nghị "Gặp gỡ Thái Lan" là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ngoài không gian trưng bày, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị còn phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại Thái Lan và Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại VINEXAD (Bộ Công thương) triển khai chương trình giao thương với 12 doanh nghiệp Thái Lan kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ngọc Vũ
Cùng chuyên mục