Donald Trump khiến "hành trình tham vọng" siêu cường số 1 thế giới của Trung Quốc gặp thách thức
Trung Quốc và "hành trình tham vọng" siêu cường số 1 thế giới
Sự thăng hoa của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1970, khi nước này mở cửa thị trường và tận dụng những lợi thế nguồn lao động dồi dào giá rẻ, tiền tệ mất giá, hệ thống sản xuất mạnh mẽ… để đưa sản phẩm của mình ra khắp thế giới, chiếm vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành sản xuất phát triển vượt bậc với giá cả cạnh tranh ngay lập tức đưa một nền kinh tế đang đà suy thoái trở thành cường quốc thịnh vượng. Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đe dọa soán ngôi vị siêu cường số 1 của Mỹ với tổng GDP lên tới 13,1 nghìn tỷ USD. Dù các nhà kinh tế học dự đoán tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 6%, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua, thì nó vẫn đủ để Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi quy mô GDP giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, những thách thức mới đang đe dọa làm gián đoạn chuỗi tăng trưởng kỷ lục này, dẫn đầu là cuộc chiến tranh thương mại tồi tệ với nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump.
Michael Yoshikami, người sáng lập Destination Wealth Management cho biết: “Trước mắt, Trung Quốc vẫn sẽ là một mảnh ghép quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng quốc gia này sẽ phải dịch chuyển theo hướng ngày càng cạnh tranh để thích nghi với hoàn cảnh mới”.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc từng đạt đỉnh 14,2% năm 2007 nhưng đã giảm xuống 7% kể từ năm 2015, theo số liệu từ World Bank, một sự chậm lại đáng kể. Năm 2019, theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống mức 6-6,2%.
Thuế quan đang làm tổn thương nền kinh tế
Destination Wealth Management đặt trụ sở chính tại San Francisco, nhưng có những hoạt động đầu tư kinh doanh đáng kể tại Trung Quốc. Theo Michael Yoshikami, những gì ông nhìn thấy hiện nay ở Trung Quốc là một quốc gia với sự tiến bộ chóng mặt về giáo dục và công nghệ, nhưng đang phải đối mặt với hàng loạt rào cản phát triển như áp lực thuế quan từ Mỹ, chi phí lao động tăng lên và sản lượng sản xuất suy yếu.
Nền kinh tế Trung Quốc từng tăng trưởng ở mức 14%, rồi giảm xuống 7%. Nếu nó đạt mức tăng trưởng 6%, thì đó vẫn là một tốc độ tăng trưởng lớn và nằm trong mục tiêu năm 2019 của chính phủ Bắc Kinh, nhưng bạn sẽ thấy tâm lý tiêu cực trên thị trường. Nếu bạn trò chuyện với người Trung Quốc, họ đã không còn lạc quan như hai, bốn hay sáu năm trước” - Michael Yoshikami cho hay.
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý tiêu cực lan rộng trên thị trường. Bất chấp việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, vẫn còn quá nhiều bất đồng và rủi ro khiến các nhà đầu tư quan ngại về sự leo thang trở lại. Và so với nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định, kinh tế Trung Quốc có vẻ không lạc quan như thế. Thuế quan thương mại rõ ràng đang làm tổn thương nền kinh tế. Lạm phát thì tăng, giá lương thực tăng trung bình 10-15% còn giá thịt lợn thậm chí tăng gấp đôi.
“Người Mỹ chào đón một thỏa thuận, nhưng người Trung Quốc thực sự cần một thỏa thuận” - ông Michael Yoshikami nhận định.
Thiệt hại mà chiến tranh thuế quan gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc là hoàn toàn đo đếm được. Tăng trưởng doanh thu tài chính đã giảm từ 6,2% năm 2018 xuống 3,8% năm 2018, dữ liệu tính đến tháng 10/2019 bởi Nomura. Kim ngạch xuất khẩu thì giảm 12,5% trong năm 2019, số liệu tính đến hết tháng 11 do sự sụt giảm của xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nomura ước tính sự suy yếu của kim ngạch xuất khẩu sẽ làm giảm tăng trưởng GDP của Trung Quốc khoảng 1,3% trong năm nay. Theo Nomura, 2020 có khả năng tiếp tục là một năm khó khăn với Trung Quốc, trong đó sự giảm tốc trên thị trường bất động sản và các chính sách kích thích kinh tế đầy thận trọng là nguyên nhân chính.
Chuyên gia kinh tế Ting Lu từ Nomura nhận định: “Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy yếu, Bắc Kinh cần phải hành động nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sự thận trọng về phạm vi và hiệu quả của các biện pháp kích thích là điều cần thiết trong bối cảnh nợ quốc gia vượt quá 300% GDP tạo áp lực nặng nề lên nền kinh tế.
Triển vọng tăng trưởng vẫn còn
Trong dài hạn, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhiều lý do để kỳ vọng kinh tế Trung Quốc tăng tốc để hướng tới vị trí siêu cường số 1 thế giới bằng động lực từ những sự tăng trưởng vượt bậc trong suốt thập kỷ qua.
Một trong những động lực tăng trưởng bắt nguồn từ sự xuất hiện của hàng loạt “siêu đô thị”, mà Morgan Stanley dự đoán là khoảng 23 siêu đô thị nói trên sẽ có dân số vượt qua New York của Mỹ. Bằng cách đưa công nhân từ các vùng nông thôn vào những trung tâm dân số khổng lồ này, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xóa bỏ được lực cản của cơ cấu dân số đang ngày càng già đi. Một giai đoạn đô thị hóa mới với tiềm năng tăng năng suất lao động và phối hợp nhiều ngành công nghiệp trong các “siêu đô thị” và khu vực phụ cận sẽ giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế.
Dù vậy, Michael Yoshikami, người sáng lập Destination Wealth Management vẫn khuyên các nhà đầu tư nên thận trọng khi đổ tiền vào Trung Quốc, bởi bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều áp lực và các vấn đề thương mại chưa được giải quyết triệt để. “Trung Quốc đang lơ lửng giữa ranh giới thị trường mới nổi và thị trường phát triển. Do vậy, tôi không chắc chắn rằng việc định giá đầu tư lúc này là chính xác”.