Lưỡng đảng Mỹ "vùi dập" tiền ảo Libra của Facebook, nhiều ông lớn công nghệ cũng vạ lây

19/07/2019 06:56 GMT+7
Lưỡng đảng Mỹ bất ngờ đạt được sự thống nhất trong nỗ lực chất vấn những gã khổng lồ công nghệ gồm Facebook, Amazon, Google và Apple về hàng loạt nguy cơ độc quyền, lũng đoạn thị trường và rủi ro khác.

Tiền Libra của Facebook bị so với thảm họa 11/9

Trong buổi điều trần thứ hai liên tiếp của Facebook trước Quốc hội Mỹ, một nghị sĩ đã khẳng định rủi ro mà đồng tiền điện tử Libra đem đến có thể sánh ngang với vụ tấn công khủng bố rung chuyển nước Mỹ hôm 11/9/2001.

“Điều khủng khiếp nhất với nước Mỹ thế kỷ này là khi Osama bin Laden chỉ huy hai máy bay tấn công khủng bố hôm 11/9/2001. Nhưng đồng tiền điện tử Libra và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nó có thể gây nguy hiểm cho nước Mỹ nhiều hơn thế.” - nghị sĩ Brad Sherman, thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện Mỹ cho hay. 

Khi Sherman so sánh Libra với sự kiện 11/9, ông cho rằng Mark Zuckerberg đang tạo ra một loại tiền điện tử có thể là công cụ đắc lực cho hoạt động buôn bán ma túy, buôn người và viện trợ khủng bố xuyên biên giới. Những kẻ trốn thuế và tội phạm rửa tiền cũng có thể lợi dụng các kẽ hở pháp lý từ đồng Libra một cách không thể kiểm soát.

"Gần 3.000 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công 11/9, nhưng mạng lưới người dùng hơn 2 tỷ người của Facebook hiện nay chắc chắn đáng quan ngại hơn thế."

Về phía Thượng viện, nghị sĩ Sherrod Brown cũng cáo buộc đồng Libra có khả năng phá hoại nền dân chủ hiện tại, khi mạng lưới khổng lồ của nó sẽ làm giảm đi ảnh hưởng và quyền lực của FED trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Các quyết sách của FED sẽ không còn giữ được tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Còn Facebook thì biến thành kẻ thao túng tài chính toàn cầu. Đó chắc chắn là viễn cảnh tồi tệ.

Đồng Libra thành cái đích chỉ trích của Quốc hội Mỹ

Trước đó, ông David Marcus, giám đốc dự án tiền ảo Libra cho hay Facebook sẽ trì hoãn việc ra mắt đồng tiền này cho đến khi các mối quan ngại an ninh tiền tệ được giải quyết triệt để. Ông đồng thời trình bày kế hoạch hợp tác với 28 đối tác lớn bao gồm Mastercard, Visa, eBay, Uber để lập một trung tâm điều hành tiền Libra.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp lưỡng đảng đã lên tiếng chỉ trích dữ dội Marcus cùng đồng Libra sau hàng loạt bê bối bảo mật dữ liệu người dùng mả Facebook dính vào trong năm qua. Hồi tuần trước, đế chế công nghệ này vừa bị phạt 5 tỷ USD liên quan đến bảo mật thông tin, nhưng nhiều nhà phân tích chỉ ra số tiền phạt tưởng là khổng lồ này lại chẳng là gì so với doanh thu mà Facebook kiếm về hàng năm. Rõ ràng, có rất ít cơ sở cho thấy Facebook sẽ bảo vệ được quyền riêng tư và bảo mật thông tin người sở hữu đồng Libra một khi tiền điện tử này ra mắt.

Bà Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài Chính Hạ viện cho rằng dự án tiền tệ của Facebook sẽ gây ra rủi ro với hệ thống tài chính toàn cầu, cũng như các vấn đề quyền bảo mật riêng tư và an ninh quốc gia. Hơn 2 tỷ người dùng trên khắp thế giới sẽ biến Libra thành công cụ dự trữ tài sản toàn cầu, mỗi người sở hữu đồng Libra đều dễ dàng giao dịch trên một thị trường quy mô khắp hành tinh mà không gặp trở ngại nào. Nguy cơ là rất lớn.

Một số thành viên của đảng Công Hòa, như nghị sĩ Andy Barr đã tỏ ra hoan nghênh nỗ lực đổi mới của Facebook với hệ thống thanh toán quốc tế, nhưng vẫn lo ngại đồng Libra rồi sẽ sớm biến thành một công cụ tài chính bất hợp pháp phục vụ mục đích của tội phạm.

Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích đồng Libra là “không đáng tin cậy” và sẽ “không có chỗ đứng”. Ông khẳng định Facebook đang quá tham lam khi muốn chen chân vào thị trường tiền tệ. Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ Viện mới đây còn lên kế hoạch một dự thảo luật cấm các công ty công nghệ lớn có doanh thu hàng năm 25 tỷ USD trở lên tham gia vào lĩnh vực tài chính hoặc tiền ảo.

3 gã khổng lồ công nghệ khác cũng "dính đạn"

Cùng với Facebook, 3 tập đoàn công nghệ lớn gồm Google, Amazon và Apple đều nhận về những chỉ trích nặng nề, do tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và mối lo ngại độc quyền.

4 gã khổng lồ công nghệ nhiều lần đã phải điều trần về sức mạnh thống trị thị trường của mình, khi Quốc hội Mỹ đang cố gắng tăng cường cạnh tranh lành mạnh và hạn chế độc quyền. Joe Neguse, một thành viên đảng Dân chủ cho hay “Khi một công ty sở hữu đa số quyền lực trong một lĩnh vực, chúng tôi gọi đó là độc quyền”. Ví dụ với trường hợp của Facebook, họ đồng thời nắm trong tay Facebook, Messenger, Instagram và WhatsApp, 4 ứng dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Matt Perault, giám đốc phụ trách các vấn đề chính sách công của Facebook đã bác bỏ điều này, khi cho rằng rất nhiều mạng xã hội khác như Twitter đang cạnh tranh mạnh mẽ với Facebook.

Amazon, đế chế bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đang bị Ủy ban Thương mại Thượng viện điều tra về cáo buộc độc quyền, khi mà tập đoàn này gần như thống trị lĩnh vực bán lẻ trực tuyến toàn cầu với khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ. Các nhà lập pháp lo ngại những dữ liệu này đang bị lạm dũng, và Amazon thường xuyên sử dụng vị thế thống trị của mình để dập tắt cạnh tranh trong ngành.

“Amazon kêu gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hệ thống bán lẻ trên Amazon.com, một nền tảng mà người ta gọi là thị trường Amazon. Đồng thời, tập đoàn này tạo nên hơn 100 thương hiệu của chính nó để cạnh tranh với các doanh nghiệp nói trên. Đó chính là vấn đề” - bà Lin Khan, chuyên gia Ủy ban chống độc quyền phê phán.

Mặt khác, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cũng lên tiếng kêu gọi Bộ Lao động điều tra về môi trường lao động tại các nhà kho Amazon mà ông nghi ngờ người lao động đang bị bóc lột, lạm dụng.

Google bị nghi làm việc với quân đội Trung Quốc

Về phía Google, ngoài cáo buộc độc quyền, công ty này còn bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cho vào tầm ngắm khi ông tuyên bố sẽ xem xét điều tra các mối quan hệ giữa Google và Trung Quốc. Tỷ phú đầu tư mạo hiểm Peter Thiel mới đây cho rằng CIA và FBI nên điều tra xem liệu rằng Google có bị tình báo Trung Quốc xâm nhập hay không, khi mà những việc làm của Google tại Trung Quốc đang gián tiếp tạo ra lợi ích cho quân đội nước này.

Ở phía ngược lại, Google tái khẳng định: “Chúng tôi không làm việc với quân đội Trung Quốc. Chúng tôi đang làm việc với chính phủ Mỹ, cụ thể là Bộ Quốc Phòng, trong nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, tuyển dụng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…”

Dù vậy, một số nhà lập pháp cảnh báo việc “vùi dập” những công ty công nghệ khổng lồ trong bối cảnh hiện nay có thể là sai lầm, vì nó gây ảnh hưởng lớn đến hàng loạt doanh nghiệp phụ thuộc khác và cả chuỗi cung ứng trong nền kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục