Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ 1,3 tỷ USD của PV GAS và đối tác Hoa Kỳ được chấp thuận đầu tư

13/07/2023 16:06 GMT+7
Ngày 11/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Quyết định chấp thuận Chủ trương đầu tư Dự án Kho Cảng LNG Sơn Mỹ đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ.

Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ của PV GAS nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, HoSE: GAS) đánh giá dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ được chấp thuận chủ trương đầu tư đánh dấu sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp ban ngành Trung ương và địa phương cùng với sự nỗ lực của các nhà đầu tư bao gồm Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) cũng như sự phối hợp của các đối tác và các bên liên quan.

Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ là dự án trọng điểm về dầu khí, nằm trong chuỗi dự án khí-điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,338 tỷ USD, toạ lạc tại khu công nghiệp Sơn Mỹ I, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. 

Trước đó, ngày 21/9/2021, PV GAS và Tập đoàn AES đã ký thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ để tổ chức triển khai Dự án, hướng tới cung cấp LNG hóa khí cho các khách hàng tiêu thụ chính là nhà máy điện Sơn Mỹ I và II. Được biết nhà máy điện Sơn Mỹ I và II có công suất 2.250MW mỗi nhà máy, nhu cầu tiêu thụ tối đa tới 3,6 triệu tấn LNG/năm cho Giai đoạn 1. Công suất của 2 nhà máy điện Sơn Mỹ I và II phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam (QĐ 60/QĐ-TTg), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QĐ 500/QĐ-TTg) dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2027. 

Ngoài ra, dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ có thể được đầu tư mở rộng ở giai đoạn sau nhằm cung cấp cho các hộ tiêu thụ khác tại khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường và đảm bảo an ninh năng lượng với công suất qua kho Giai đoạn 2 (2027 – 2030) là 6 triệu tấn/năm; và có thể mở rộng phát triển Giai đoạn tiếp theo với công suất lên đến 10 triệu tấn/năm.

Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ 1,3 tỷ USD của PV GAS và đối tác Hoa Kỳ được chấp thuận đầu tư - Ảnh 1.

Mặt bằng dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ

Đây là dự án hạ tầng năng lượng quan trọng có quy mô đầu tư lớn, là cơ sở để triển khai các nhà máy điện Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 nhằm đưa tỉnh Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Tỉnh Bình Thuận đề nghị nhà đầu tư dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ tập trung mọi nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành như nội dung quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt; đồng thời đề nghị lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh, huyện Hàm Tân phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Với dấu mốc quan trọng nêu trên, Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ đã chính thức bước sang một giai đoạn mới, đánh dấu một bước tiến mới trong lộ trình triển khai và đưa vào hoạt động một Dự án trọng điểm về dầu khí nói chung và nỗ lực của Tổng Công ty Khí Việt Nam nói riêng trong việc đầu tư hạ tầng năng lượng LNG nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

PV GAS - Đơn vị đầu tiên duy nhất đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG

Trước đó, ngày 10/7/2023, PV GAS đã tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến Kho cảng PV GAS Vũng Tàu. Con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) đã vận chuyển 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam.

Tại Việt Nam, PV GAS tự hào là đơn vị đầu tiên và duy nhất đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG, đồng thời sở hữu kho cảng LNG Thị Vải - tổ hợp LNG đầu tiên được đưa vào vận hành tại thị trường nội địa. 

Công trình Kho cảng LNG Thị Vải được PV GAS chú trọng đầu tư xây dựng từ những năm 2019, tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ hàng đầu và tiên tiến nhất; với công suất qua kho là 01 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, và nâng cấp lên 03 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2; đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ 1,3 tỷ USD của PV GAS và đối tác Hoa Kỳ được chấp thuận đầu tư - Ảnh 2.

Kho cảng LNG Thị Vải. Nguồn: PV GAS

Khí LNG sẽ được phân phối đến các khách hàng theo 2 phương thức: qua đường ống (LNG được tái hóa khí và bơm vào đường ống để cấp cho khách hàng) hoặc cung cấp bằng xe bồn/kho LNG vệ tinh (vận chuyển bằng xe bồn đến khách hàng xa hệ thống đường ống, bồn chứa tại các kho vệ tinh để tái hóa khí và cung cấp cho khách hàng).

Để đảm bảo nguồn cung LNG ổn định, PV GAS đã làm việc và ký kết nhiều hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến với nhiều nhà cung cấp LNG lớn đến từ nhiều khu vực xuất khẩu khác nhau trên thế giới, trong đó có nhiều nhà cung cấp lớn đến từ Mỹ, khu vực Châu Âu, Trung Đông, Châu Á.... Các Nhà cung cấp LNG cũng rất đa dạng, từ nhà sản xuất (producers) đến các công ty thương mại (portfolio players/ trading houses). Việc hợp tác với các Nhà cung cấp LNG lớn, danh tiếng tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới sẽ giúp PV GAS linh hoạt hơn trong việc lựa chọn nguồn cung ứng với các điều khoản thương mại tối ưu.

Bên cạnh việc nhập khẩu LNG để bổ sung cho nguồn khí nội địa bị thiếu hụt, PV GAS sẽ đẩy mạnh cung cấp LNG nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện mới  và hộ công nghiệp trong tương lai.

Liên quan đến các cơ chế chính sách của Nhà nước cho việc định giá và tiêu thụ sản phẩm LNG để phục vụ sản xuất điện, trong thời gian gần đây, PV GAS đã rất chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành có liên quan của Trung ương và Chính phủ, trong đó đặc biệt là đối với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công Thương. 

Việc xây dựng hạ tầng phục vụ việc nhập khẩu, tồn trữ và phân phối LNG đến khách hàng với chi phí tối ưu nhất là vấn đề rất thách thức đòi hỏi quy mô đầu tư lớn, đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan. Thêm nữa, để xây dựng một thị trường khí LNG bền vững, đóng góp vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, cần có các quy định và chính sách rõ ràng để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nguồn cung khí mới, đặc biệt là LNG. Sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước và việc xây dựng các cơ chế chính sách là trọng yếu và cấp thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển ngành công nghiệp khí tại Việt Nam.

Q. Nguyễn
Cùng chuyên mục