Dự báo thị trường vẫn rung lắc mạnh, nhóm cổ phiếu được khuyến nghị trong tháng 5

11/05/2023 17:41 GMT+7
Theo SSI Research, thị trường trong tháng 5 vẫn sẽ tiếp tục dao động rung lắc trong biên độ từ cận trên 1060-1070 đến cận dưới 1017- 1020.

Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây

Trong Báo cáo chiến lược thị trường tháng 5, SSI Research cho biết, trong tháng 4 Vn-Index giảm 1,5% về ngưỡng 1.049 điểm. Xu hướng lợi nhuận quý 1 đi xuống trong bối cảnh mặt bằng định giá chung đã ở mức hợp lý là yếu tố cản trở thị trường đi lên theo đà từ tháng 3.

Nhóm vốn hóa lớn chịu áp lực nhiều hơn khi chỉ số VN30 mất -2,1% do sự đi xuống ở nhiều mã thuộc nhóm Ngân hàng, Khí đốt, Thực phẩm đồ uống…như GAS -9%, BID -5,8%, VIC -5,3%, VNM -5,9%…

Thay vào đó, dòng tiền luân chuyển sang một số cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ với tâm điểm ở (i) Nhóm phòng thủ như Y tế, Điện nước…nổi bật là DHG +14,1%, DBD +12,8%, NT2 +9,6%…(ii) Nhóm Bán lẻ được kỳ vọng hưởng lợi từ đề xuất giảm 2% thuế VAT và nhóm Bất động sản nhờ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn của Chính phủ…như DGW +19,5%, DIG +38,5%, NVL +12,6%.

Dự báo thị trường vẫn rung lắc mạnh, nhóm cổ phiếu được khuyến nghị trong tháng 5 - Ảnh 1.

Giá trị bình quân sàn HOSE cải thiện lên mức cao nhất kể từ đầu năm là 11,2 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản cải thiện nhờ đóng góp của các nhà đầu tư cá nhân trong nước trước chính sách hạ nhiệt lãi suất và lo ngại về rủi ro trên trái phiếu doanh nghiệp nhẹ đi.

Theo đó, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại chỉ còn 8,6%, thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây với mức độ ảnh hưởng lên thị trường cũng thấp hơn giai đoạn trước. Khối ngoại bán ròng -2,7 nghìn tỷ đồng trong tháng tập trung ở STB -729 tỷ đồng, VNM -418 tỷ đồng, VND -351 tỷ đồng. Chiều mua ròng, HPG +519 tỷ đồng, HDB +235 tỷ đồng, VPB +113 tỷ đồng là các mã có giá trị cao nhất.

Trong tháng 5, thị trường vẫn sẽ tiếp tục dao động rung lắc

Mùa báo cáo quý 1/2023 đã gần như đã đi qua, và tăng trưởng LN chung trên HOSE được công bố giảm 18% và giảm 32% so với cùng kỳ nếu không tính đóng góp của nhóm Ngân hàng. Diễn biến này không nằm ngoài dự đoán khi lợi nhuận (LN) đi xuống mạnh ở các nhóm Thực phẩm đồ uống, Xây dựng & VLXD, Tài nguyên cơ bản, Hóa chất, Bán lẻ, Dịch vụ tài chính ngoài việc do cơ sở so sánh cao trong cùng kỳ còn phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh kinh tế có những thách thức và mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.

Đối với các giải pháp từ chính sách tiền tệ, NHNN cũng đã ban hành 2 thông tư quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và giao dịch TPDN của các NHTM. Thông điệp tiếp theo từ phía Chính phủ và NHNN là tiếp tục chỉ đạo các NHTM hạ lãi suất phù hợp hơn với điều kiện kinh tế hiện tại. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao hơn so với thời điểm trước Covid, dao động ở mức 10- 10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.

Nhìn chung, LN đi xuống phù hợp với dự đoán và không có yếu tố bất ngờ nên việc điều chỉnh của thị trường diễn ra trong tháng 4 không quá mạnh. Điểm sáng trong thời gian tới là kỳ vọng vào sự hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ và NHNN đã liên tục ra các chính sách nhằm tháo gỡ phần nào những nút thắt trên thị trường TPDN và BĐS và những nỗ lực nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường. Những điểm sáng này là yếu tố quan trọng kích hoạt sự tham gia trở lại của nhóm NĐT cá nhân trên thị trường và giảm bớt áp lực bán ròng từ khối ngoại trong tháng 5.

Xét trong bối cảnh quốc tế, phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ và do vậy dòng tiền vào TTCK Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng. Trong thời gian tới, SSI Research cho rằng áp lực rút ròng vẫn có thể vẫn còn, tuy nhiên bất kì điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều vào ròng trở lại trên thị trường. Do TTCK thường nhìn nhiều hơn vào tương lai, khi nền kinh tế đang dần chạm đáy khó khăn, SSI Research cho rằng TTCK đang dần tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn.

Dự báo thị trường vẫn rung lắc mạnh, nhóm cổ phiếu được khuyến nghị trong tháng 5 - Ảnh 3.

Từ góc nhìn kỹ thuật, SSI Research cho rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục dao động rung lắc trong biên độ từ cận trên 1060-1070 đến cận dưới 1017- 1020. 

"Trong quá trình đi ngang của thị trường ở chu kỳ tháng 5, sẽ có những nhịp rung lắc mạnh và đây là cơ hội để NĐT tích lũy dần cổ phiếu khi chỉ số Vnindex tiệm cận vùng biên dưới 1020. Đồng thời, gia tăng tỉ trọng danh mục những cổ phiếu tốt, có nền tích lũy chắc chắn trên vùng hỗ trợ của chính cổ phiếu đó hoặc áp lực giảm nhẹ hơn so với thị trường", báo cáo SSI Research nêu.

Do TTCK thường nhìn nhiều hơn vào tương lai, khi nền kinh tế đang dần chạm đáy khó khăn, SSI Research cho rằng TTCK đang dần tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn. Trong thời gian tới, bất kì điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều vào ròng trở lại trên thị trường.

Nhóm 6 cổ phiếu khuyến nghị cho tháng 5 gồm: PVT, KBC, VRE, FPT trong danh mục khuyến nghị và bổ sung thêm VTP, QNS. Đây là các cổ phiếu có yếu tố dẫn dắt tăng trưởng rõ ràng trong năm 2023.


O.L
Cùng chuyên mục