Dù đang đỉnh dịch, khối FDI vẫn đặt thêm chỗ để mở rộng sản xuất, vì sao?

29/07/2021 09:55 GMT+7
Cùng với kiểm soát dịch tốt, FDI và giải ngân vốn đầu tư công lớn là nguồn lực thúc đẩy toàn ngành bất động sản trỗi dậy trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả giai đoạn 2022-2023.

Đó là chia sẻ của 2 lãnh đạo cao cấp các Tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nhận diện cơ hội Thị trường Chứng khoán nửa cuối năm 2021" được Báo Đầu tư tổ chức ngày 28/7.

Dù đang đỉnh dịch khối FDI vẫn đặt thêm chỗ trong KCN để mở rộng sản xuất

Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), ông Đặng Thành Tâm cho biết, thực tế vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam rất lớn. Với công tác kiểm soát dịch tốt từ năm 2020, Việt Nam vẫn đang tận dụng được sự dịch chuyển đầu tư nước ngoài.

"Cụ thể, chỉ mới 2 hôm trước, trong thời điểm đỉnh dịch nhưng KBC nhận được thông tin nhà đầu tư vẫn đặt thêm đất trong khu công nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh làm vệ tinh cho Aple. Hiện nay các nhà đầu tư lớn vẫn đặt hàng, ở Hải Phòng, LG vẫn mong muốn KBC đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp giai đoạn 3", chủ tịch KBC cho hay.

Phó tổng giám đốc NovaGroup: NVL vẫn coi thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC). Ảnh: KBC

Như vậy, để tận dụng cơ hội và có thể đảm bảo tiêu chí đấu thầu, trong đó có tiêu chí vốn điều lệ, thì KBC phải tăng vốn.

.... và giải ngân vốn đầu tư công lớn sẽ thúc đẩy toàn ngành bất động sản trỗi dậy

Theo Phó tổng giám đốc NovaGroup, tận dụng cơ hội của thị trường, cuối năm nay NVL cố gắng IPO 1 doanh nghiệp thành viên tập đoàn là Nova Consumer Group. còn bản thân NVL vẫn coi thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp.

Phó tổng giám đốc NovaGroup: NVL vẫn coi thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup. Ảnh: NVL

Chia sẻ thêm về Novaland và nhận định chung về ngành bất động sản trong thời gian tới, ông Phiên cho biết, thời điểm này ngành bất động sản nói chung đang bị chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Do vậy, nguồn lực thúc đẩy cho ngành cho trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả giai đoạn 2022-2023 chính là giải ngân đầu tư công lớn trong thời gian tới.

Đặc biệt, chúng ta cũng biết là Quốc hội đang họp và kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2025 sắp được phê duyệt. Lúc này, một lượng lớn tiền sẽ cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có. Đáng kể nhất chính là khu vực phía Nam. Ví dụ tại TP. HCM và Đồng Nai tổng cộng mức đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 35 tỷ USD cho 5 năm tới - đó là bàn đạp rất lớn để phát triển ngành bất động sản trong tương lai.

"Với kinh nghiệm cá nhân tôi tham gia thị trường nhiều năm nhận thấy có 3 yếu tố quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ bao gồm, thứ nhất, xác định ngành, xác định các doanh nghiệp trong ngành và xác định kỳ vọng, rủi ro mà bản thân có thể gánh chịu được để đưa ra quyết định", ông Phiên nói.

Còn về phía Novaland thời gian qua có tăng trưởng tốt được thị trường chứng khoán ghi nhận. Hiện nay, NovaGroup cũng đang cơ cấu các thành viên và tiến hành niêm yết các công ty thành viên lên sàn chứng khoán. Trong đó, mã cổ phiếu NVL của Novaland vẫn tập trung bất động sản nhà ở, khu đô thị ở TP.HCM, vệ tinh, đại đô thị bất động sản nghỉ dưỡng….

Quan trọng khi tăng vốn doanh nghiệp phải đảm bảo được lợi nhuận

Liên quan đến phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ lớn có thể dẫn đến pha loãng. 2 lãnh đạo doanh nghiệp đồng tình phát hành cổ phiếu phục vụ kinh doanh là đúng bản chất của thị trường chứng khoán. Nhưng xét góc độ thị trường, phát hành dẫn đến e ngại pha loãng, tính bền vững, có những cổ phiếu thuộc doanh nghiệp quy mô lớn, có tính dẫn dắt thì còn ảnh hưởng đến chỉ số.

Trả lời cho câu hỏi phát hành có e ngại pha loãng với KBC, chủ tịch Đặng Thành Tâm cho rằng, điều quan trọng của pha loãng giá là doanh nghiệp tăng vốn là phải đảm bảo được lợi nhuận.

"Việc tăng vốn sẽ không lo sợ pha loãng nếu lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, như KBC, năm 2021-2022 lợi nhuận sẽ tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng tốt sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư, và các khu công nghiệp đều có các khu nhà ở công nhân", ông Tâm.

Theo chủ tịch KBC, bình thường, lợi nhuận từ khu công nghiệp không cao vì chính sách khuyến khích nhà đầu tư thường đi đôi với hạ giá. Nhưng nhà đầu tư vào nhiều thì các khu đô thị lân cận sẽ phát triển nhanh mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Phiên, phó tổng giám đốc NovaGroup cho rằng, bản chất thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp. Trên góc độ doanh nghiệp khi thị trường tốt, có nhiều dư địa tăng trưởng dài hạn, các công ty nói chung đều muốn tận dụng cơ hội để phát hành cổ phần với mục đích huy động vốn, bên cạnh huy động vốn trên thị trường nợ.

Đối với riêng Novaland, vừa qua doanh nghiệp cũng đã phát hành riêng lẻ nhưng không tác động lên thị trường quá nhiều.

"Cần chú ý rằng, bản chất thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn, hiện tượng pha loãng cũng phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp thôi, các định chế đầu tư họ cũng nhìn vào bản chất doanh nghiệp hơn là giá cổ phiếu. Vì mỗi lần phát hành, thì giá đều được điều chỉnh kỹ thuật", ông Phiên nhấn mạnh.

Quang Dân
Cùng chuyên mục