Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần phải xem xét thẩm quyền, trách nhiệm quản lý giá cước viễn thông
Ngày 23/3, tại hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.
Mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Viễn thông lần này nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông. Cùng với đó, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, và giải quyết các bất cập hạn chế trong thực thi Luật thời gian vừa qua.
Góp ý về dự thảo Luật Viễn thông, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, các quy định trong dự thảo hiện nay chưa thực sự thể hiện hay phục vụ mục tiêu này.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp quan ngại về việc dự luật này mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông, ví dụ dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây, và dịch vụ trung tâm dữ liệu.
Ông Tuấn cho biết, theo pháp luật của các quốc gia trên thế giới và thông lệ quốc tế thì các dịch vụ trên đều không phải là dịch vụ viễn thông và nên được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật riêng.
Nếu Dự luật này được thông qua như dự thảo hiện nay, các loại hình dịch vụ trên sẽ phải xin cấp giấy phép viễn thông và chịu sự điều chỉnh như những dịch vụ viễn thông truyền thống.
Từ góc độ chính sách pháp luật cạnh tranh, TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng: "Cần phải xem xét thẩm quyền, trách nhiệm quản lý giá cước viễn thông".
Cụ thể, tại Điểm đ khoản 1 Điều 60 dự thảo Luật quy định Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm "Kiểm soát, đình chỉ áp dụng giá cước viễn thông khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông khác và Nhà nước".
Tại điểm a khoản 2 Điều này quy định doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm "Không được áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước".
Theo TS. Ly, các quy định này tạo ra nghĩa vụ không rõ ràng và cũng không hợp lý cho doanh nghiệp viễn thông, cần hiểu thế nào là hành vi "áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước".
"Có thể hiểu đây là hành vi định giá quá cao hoặc định giá quá thấp", TS. Ly cho hay.
Cũng theo TS. Ly, trong một thị trường viễn thông cạnh tranh, về nguyên tắc, hành vi định giá quá cao hoặc định giá quá thấp của doanh nghiệp viễn thông cũng không ảnh hưởng tới cạnh tranh trên thị trường hay mất ổn định thị trường, trừ trường hợp doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền.
TS. Ly cho rằng, tại Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 cũng đã có quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm.
Trong đó, có hành vi "Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh" và "Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng".
Vì vậy, các quy định tại điểm đ khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 60 dự thảo Luật là không cần thiết, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đề nghị thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành...