Dự trữ ngoại hối "bốc hơi" 4,5 tỷ USD, dự báo mới đường đi của tỷ giá USD/VND
Dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 4,5 tỷ USD, tỷ giá USD/VND tăng gần 2,5%
Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống còn 102,89 tỷ USD tính tới cuối tháng 5.
So với cuối năm 2021, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm khoảng 4,5 tỷ USD.
Việc NHNN giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay cũng đã giúp cho đồng VND không bị mất giá quá nhiều trước diễn biến tăng giá mạnh của đồng USD.
Tới hết ngày 19/8/2022, chỉ số DXY đã tăng 13,06% so với cuối năm 2021, đồng tiền của nhiều nước EMs cũng đã có diễn biến mất giá mạnh so với đồng USD, như đồng Won của Hàn Quốc mất giá 10,33% YTD, đồng Nhân dân tệ mất giá 6,77%, Baht Thái mất giá 6,36%.
Trong khi đó, đồng VND đang có mức mất giá khoảng 2,48%. Theo rổ theo dõi của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đồng VND là đồng tiền mất giá ít nhất so với USD, tính từ đầu năm tới nay.
Tâm điểm thị trường đang tập trung vào phát biểu của chủ tịch Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong Hội nghị Jackson Hole vào cuối tuần này và đồng USD vẫn đang duy trì sức mạnh của mình trên thị trường ngoại hối. "Áp lực đối với tiền Đồng sẽ vẫn tương đối lớn trong tuần này và Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ điều tiết nhằm ổn định tỷ giá", các chuyên gia phân tích SSI cho hay.
Trao đổi với Dân Việt, ông Cù Đức Hoàng Tài - Giám đốc nhân sự công ty TNHH Juma Phú Thọ cho biết, doanh nghiệp đang hưởng lợi khi đồng USD đắt lên, bởi Juma là doanh nghiệp xuất khẩu nội thất, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất của doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp vay vốn bằng đồng USD, ông Vũ Anh Tuấn – Tổng Giám đốc CNC Tech Group cũng thừa nhận, việc tỷ giá tăng mạnh trong thời gian qua cũng có tác động tới doanh nghiệp, tuy nhiên mức tác động không nhiều bởi doanh nghiệp hiện đang tiếp cận được gói vay ngắn hạn với lãi suất tốt. Điều đó, đã giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp "đau đầu" vì tỷ giá. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 1.270 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2021 trong nửa đầu năm, do lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn và dư nợ vay bằng USD cao.
Hay như Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines, chỉ trong quý II, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên tới 841 tỷ đồng, tăng gần 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines lỗ 1.012 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.
Tương tự, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW) lỗ chênh lệch tỷ giá 82 tỷ đồng; Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng lỗ tới 330 tỷ đồng,...
Tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm sẽ biến động thế nào?
Trung tâm Giải pháp tài chính và Giao dịch toàn cầu của Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc và Trung tâm Tài chính Toàn cầu của Ngân hàng Shinhan Việt Nam đưa ra nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2022, USD mạnh lên và thị trường chứng khoán tuột dốc do Fed thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến và tâm lý lo ngại rủi ro dấy lên từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.
Tuy nhiên, theo Shinhan, tỷ giá sẽ giảm dần vào cuối năm và duy trì quanh mức 23.000 VND/USD nhờ các chính sách kích thích kinh tế, kích cầu trong nước, sự phục hồi ngành du lịch và dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, kiều hối tăng...
Cũng có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định với mục tiêu ổn định tỷ giá như thời gian qua và tỷ giá trong cả năm 2022 sẽ chỉ tăng khoảng 2,5%. Điều đó có nghĩa, trong 6 tháng cuối năm, mức biến động của tỷ giá chỉ vào khoảng 0,5%, thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm.
Thậm chí, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng, xu hướng tăng của USD sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Dự báo tỷ giá VND/USD sẽ duy trì trong khoảng 22.900 - 23.300 VND/USD vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng không quá 2% so với cuối năm 2021, tức là tỷ giá sẽ không tăng, thậm chí sẽ điều chỉnh giảm từ nay cho tới cuối năm.