Dược phẩm Hà Tây (DHT) chuẩn bị chào bán thêm 8,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản

30/11/2023 14:48 GMT+7
HĐQT CTCP Dược phẩm Hà Tây (Hataphar, HNX: DHT) mới đây công bố Nghị quyết triển khai phương án chào cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược ASKA Pharmaceutical Co., Ltd. (gọi tắt là ASKA) có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản.

Cụ thể, Dược phẩm Hà Tây chuẩn bị chào bán là 8,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,36% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thực hiện chào bán dự kiến vào quý IV/2023.

Hiện, ASKA đang nắm giữ hơn 18,4 triệu cổ phiếu DHT, tỷ lệ 24,9%. Với giá chào bán 21.500 đồng/cổ phiếu, ước tính ASKA sẽ phải chi gần 181 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch và nâng tổng sở hữu lên hơn 26,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu nắm giữ tương ứng 32,56%). Số cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho ASKA sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Về quan hệ với tổ chức phát hành, ông Hiroyasu Nishioka - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành, Giám đốc phụ trách khối kinh tế của ASKA và ông Keisuke Oshio - Quản lý cấp cao tại phòng kinh doanh quốc tế của ASKA - đều là Thành viên HĐQT và đại diện phần vốn góp của ASKA tại Hataphar.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán này sẽ dùng để đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar gần 78,4 tỷ đồng và 102,2 tỷ đồng để tái cơ cấu lại khoản nợ vay ngân hàng nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực về tài chính.

Dược phẩm Hà Tây (DHT) chuẩn bị chào bán thêm 8,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - Ảnh 1.

Mục đích sử dụng vốn thu được từ việc chào bán.

Dự án nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar có tổng dự toán đầu tư hơn 1.283 tỷ đồng, quy mô hơn 4,5 ha. Được xây dựng tại khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, km 29 Đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Về tiến độ triển khai, tính đến ngày 30/06/2023, dự án đang trong giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 790 tỷ đồng, đã giải ngân (giai đoạn 1) 656.6 tỷ đồng (đã bao gồm VAT). Nhu cầu vốn cần để hoàn thành giai đoạn 1 là 133,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dược phẩm Hà Tây hiện đang có hợp đồng vay với Ngân hàng MUFG, giá trị khoản nợ trên hợp đồng hơn 115,4 tỷ đồng (số dư khoản vay theo BCTC riêng giữa niên độ 2023 của công ty mẹ đã soát xét tại ngày 30/06/2023), dự kiến sẽ trả nợ vào quý IV/2023.

Nếu tổng số tiền thu được từ đợt chào bán không đủ để sử dụng cho toàn bộ mục đích, nhu cầu dự kiến, phần vốn thiếu hụt sẽ được HĐQT Dược phẩm Hà Tây sẽ chủ động sử dụng linh hoạt các nguồn vốn khác hiện có của Công ty hoặc tìm kiếm/huy động các nguồn vốn khác bên ngoài như vay vốn ngân hàng, vay tín dụng của các tổ chức tài chính hoặc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo quy định… để bù đắp phần vốn còn thiếu trong đợt chào bán nhằm đảm bảo phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh; và/hoặc cắt giảm nguồn vốn phân bổ cho các mục đích có sự ưu tiên thấp hơn. Trong đó, Dược phẩm Hà Tây sẽ ưu tiên cho nhu cầu tái cơ cấu khoản nợ trước, phần vốn còn lại (nếu có) sẽ được đầu tư dự án Nhà máy Hataphar.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục