Dưới sức ép từ Bắc Kinh, Alibaba của tỷ phú Jack Ma làm ăn ra sao trong quý II?
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II vừa công bố, doanh thu Alibaba đạt 205,74 tỷ nhân dân tệ (31,83 tỷ USD), tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn ước tính trong cuộc khảo sát các nhà phân tích của Refinitiv là 209 tỷ nhân dân tệ, tuy nhiên vẫn là mức tăng trưởng lạc quan với gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc.
Lợi nhuận ròng trong cùng kỳ theo tiêu chuẩn kế toán của Mỹ đạt 42,84 tỷ nhân dân tệ. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm từ 23% trong quý trước xuống 15% trong quý này.
Giám đốc tài chính Aliababa Maggie Wu cho hay: “Chúng tôi đang đầu tư một phần lợi nhuận và vốn bổ sung vào các thương vụ mới, các lĩnh vực chiến lược mới để cung cấp cho khách hàng dịch vụ hỗ trợ tốt hơn cũng như mở rộng ra các thị trường tiềm năng”.
Cũng theo bà Maggie Wu, Alibaba sẽ mở rộng chương trình mua lại cổ phần từ 10 tỷ USD lên 15 tỷ USD trong bối cảnh doanh nghiệp lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Hồi quý trước, Alibaba đã báo cáo lỗ ròng 5,5 tỷ nhân dân tệ do hãng phải nộp khoản phạt kỷ lục lên tới 18 tỷ nhân dân tệ mà các cơ quan quản lý Trung Quốc đưa ra do hành vi độc quyền. Số tiền tương đương 12% lợi nhuận ròng của Alibaba trong năm tài chính 3/2019-3/2020.
Cổ phiếu của Alibaba đã trượt giá trong những tuần gần đây khi Bắc Kinh tiếp tục siết chặt các quy định pháp lý trong lĩnh vực công nghệ và mở rộng cuộc ‘đàn áp’ sang nhiều lĩnh vực mới bao gồm giáo dục, bất động sản...
"Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu các quy định pháp lý mới, đánh giá tác động tiềm tàng của chúng với các bộ phận liên quan” - trích lời ông Daniel Zhang, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Alibaba trong cuộc họp riêng hôm 3/8. “Chúng tôi sẽ đưa ra phản hồi bằng hành động”, ông Zhang tuyên bố, đồng thời khẳng định các quy định mới của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp Internet Trung Quốc trong dài hạn.
CEO Alibaba cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển các doanh nghiệp mới, với kế hoạch đầu tư tất cả lợi nhuận gia tăng trong năm nay vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như công nghệ để thu hút thêm người dùng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng doanh nghiệp, tiến tới giảm chi phí hoạt động.
Thay vì cung cấp nhiều dịch vụ hơn thông qua Taobao - sàn thương mại điện tử hàng đầu mà Alibaba quản lý với hơn 900 triệu người dùng, ông Zhang cho biết Alibaba sẽ triển khai chiến lược đa ứng dụng để tiếp cận tệp khách hàng mở rộng hơn, đặc biệt là khách hàng ở khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ. “Chúng tôi đang nghiên cứu phát triển một hệ sinh thái hoàn thiện để đáp ứng mọi nhu cầu của các đối tượng người tiêu dùng khác nhau”.
Bất chấp sức ép cạnh tranh từ các đối thủ lớn như Meituan và Pinduoduo, CEO Alibaba khẳng định Alibaba sẽ không dựa vào trợ giá để mở rộng thị phần. “Khi chúng tôi lập kế hoạch đầu tư, chúng tôi luôn tập trung vào việc tạo ra giá trị. Chúng tôi cho rằng đối với những công ty liên tục thua lỗ nhưng vẫn cố gắng mở rộng quy mô bằng cách trợ giá, cuối cùng họ sẽ chẳng thu được kết quả gì từ thị trường”.
Alibaba là gã khổng lồ tiên phong trong sự phát triển lĩnh vực internet Trung Quốc từ 2 thập kỷ trước. Thời điểm đó, nó nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý Bắc Kinh đã chặn hàng loạt dịch vụ internet do Facebook và Google cung cấp khỏi thị trường tỷ dân vào những năm 2009-2010 để tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của Alibaba. Nhưng gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc vừa trải qua một năm khó khăn trước sức ép to lớn từ việc Bắc Kinh siết chặt các quy định trong lĩnh vực công nghệ, từ vấn đề độc quyền đến an ninh dữ liệu.
“Cuộc đàn áp” bắt đầu khi Ant Group, công ty con chuyên mảng fintech của Alibaba bị hủy thương vụ IPO trị giá 37 tỷ USD.Ngay sau đó, Trung Quốc công bố cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba - tập đoàn đang nắm giữ 33% cổ phần Ant Group. Sau khoảng thời gian điều tra, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường của Trung Quốc (SAMR) cho biết chính sách của Alibaba đã hạn chế sự cạnh tranh trong thị trường bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc và “xâm phạm đến hoạt động kinh doanh của những người bán trên nền tảng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”. Kèm theo đó là khoản tiền phạt kỷ lục 18,23 tỷ nhân dân tệ, tương đương 4% doanh thu năm 2019 của Alibaba. Ngoài ra, các nhà quản lý cho biết Alibaba sẽ phải trình báo cáo tuân thủ chính sách đến SAMR trong 3 năm tới.