Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử đồng loạt hệ thống

06/12/2022 06:25 GMT+7
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa thông tin, ngày 5/12, các đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội đã được vận hành thử đồng loạt ở đoạn tuyến trên cao kéo dài từ Depot Nhổn đến ga S8 (Đại học Giao thông Vận tải).

Thời gian đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử bắt đầu từ 10 giờ sáng, hệ thống đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu được nhà thầu dự án đưa vào vận hành thử trong môi trường hạn chế.

Theo ông Hiếu, việc vận hành thử nhằm đánh giá sự hoạt động của hệ thống và các đoàn tàu chạy trên đoạn 8,5km trên cao từ Nhổn - Cầu Giấy. Việc chạy thử hệ thống đường sắt đô thị này trong môi trường hạn chế sẽ được xem là kết thúc khi tất cả các thử nghiệm đều đạt.

Hệ thống Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao được vận hành theo 2 biểu đồ chạy tàu ngày, thời gian từ 9 - 19 giờ, với số đoàn tàu tối đa 4 - 8 đoàn tàu chạy trong 5 ngày nối tiếp.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử đồng loạt hệ thống - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: TA

"Trường hợp mục tiêu hiệu suất chạy thử trong 5 ngày liên tiếp không đạt được (nếu tính khả dụng của hệ thống đạt dưới 98%), việc chạy thử sẽ được kéo dài đến khi đạt kết quả", ông Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, kế hoạch, 3 ngày đầu tiên chạy 8 đoàn, 2 ngày sau chạy 4 đoàn. Hiệu suất hoạt động của hệ thống được tóm tắt, báo cáo trong cuộc họp sau 19 giờ mỗi ngày chạy tàu. Riêng ngày đầu tiên chạy thử, trong các khung giờ 11 - 13 giờ, 16 - 18 giờ có 8 đoàn tàu sẽ được vận hành.

Nói về mục đích của việc vận hành thử tàu Nhổn - ga Hà Nội, ồng Hiểu cho hay: "Toàn hệ thống sẽ được vận hành tích hợp, từ kết nối của các đoàn tàu đến depot, nhà ga, hệ thống thẻ vé, hệ thống điều khiển".

"Thời gian dừng mỗi ga của mỗi đoàn tàu là 20 giây. Tổng thời gian chạy từ Nhổn đến ga S8 (Đại học Giao thông Vận tải) khoảng 16 phút/lượt (tính cả thời gian dừng). Thời gian chạy một vòng, bao gồm cả quay đầu khoảng 32 phút," ông Hiếu thông tin.

Theo đó, giai đoạn 2 của quá trình vận hành thử sẽ diễn ra ngay sau khi đánh giá hiệu suất RAMs (độ tin cậy, độ sẵn sàng, độ duy trì bằng bảo dưỡng, độ an toàn) với 5 kịch bản vận hành đoàn tàu hạn chế ở các chế độ: Mất điện kéo trên toàn tuyến, mất điện kéo ở một đoạn trên tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.

"Đây là quá trình chạy thử thuộc giai đoạn 7 (kiểm tra thử nghiệm) trên tổng số 8 giai đoạn. Giai đoạn vận hành thử (Trial Run) là giai đoạn cuối cùng trước khi đưa dự án vào vận hành thương mại", ông Hiếu chia sẻ.

Cũng theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, việc chuẩn bị chạy thử đoạn trên cao của dự án hiện liên quan đến có 6 nhà thầu (CP02, CP05, CP06, CP07, CP08, CP09), phía MRB cho hay để bước vào giai đoạn này, từng gói thầu phải hoàn thiện thi công lắp đặt, thử nghiệm đơn động, liên động.

Sau đó phải hoàn thành công tác thử nghiệm tích hợp liên động giữa các gói thầu với nhau đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.

Toàn bộ các thử nghiệm đều được Tư vấn SYSTRA giám sát thường xuyên liên tục tại hiện trường. Báo cáo kết quả thử nghiệm qua từng giai đoạn đều được các nhà thầu đệ trình và Tư vấn giám sát kiểm tra chấp thuận.

Sau khi kết thúc chạy thử, các bước tiếp theo sẽ được thực hiện như vận hành thử và công tác đánh giá an toàn hệ thống của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống; Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác thẩm định báo cáo đánh giá an toàn hệ thống.

Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng tiến hành rà soát hồ sơ dự án, các báo cáo đánh giá và công nhận kết quả để nghiệm thu cuối cùng. Kết thúc các nội dung công việc trên sẽ tiến hành công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác thương mại.


Thế Anh
Cùng chuyên mục