Gần 20 năm, VN-Index vì sao vẫn "lình xình" quanh mức 1.200 điểm?

06/12/2024 15:56 GMT +7
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, thời điểm VN-Index 1.170 điểm, P/E của Việt Nam là 37- 40, hiện tại VN-Index đạt 1.200 điểm P/E là 11 - 13. Đồng thời, điều này còn tùy thuộc vào chiến lược và mục đích của nhà đầu tư.

Tại sao gần 20 năm VN-Index vẫn loanh quanh 1.200 điểm?

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup cho hay, khi tham dự một hội nghị về thị trường chứng khoán tại Singapore do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, rất nhiều người đã hỏi ông: Tại sao gần 20 năm VN-Index vẫn loanh quanh 1.200 điểm, trong khi Dow Jones đã tăng gấp 3-4 lần?

Ông Nguyễn Quang Thuân.

Nói thêm về các quỹ đầu tư nước ngoài, ông Thuân cho biết Việt Nam đã hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp rồi, các quỹ hiện có nhu cầu đầu tư đa kênh rất lớn, vào trái phiếu và cổ phiếu, thậm chí trái phiếu chính phủ một phần.

Nêu một số gợi mở, ông Nguyễn Quang Thuân khuyến nghị tăng chất lượng hàng hoá, bên cạnh việc minh bạch đầu tư để tăng hiệu quả hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Chuyên gia này cho rằng, con số 9 triệu tài khoản sẽ còn tăng tiếp, có thể lên tới 15 triệu tài khoản, nên cần cải thiện thiết kế chính sách để phục vụ nhà đầu tư.

“Các định chế tài chính đầu tư trong nước chưa phát triển mạnh mẽ, quy mô vốn và tổng tài sản quản lý trên mô hình quản lý quỹ hiện tại quá khiêm tốn. Đương nhiên, các quỹ sẽ không giao dịch nhiều giống như nhà đầu tư cá nhân nhưng hiện tại nâng hạng cũng phục vụ nhà đầu tư trong nước”.

Theo ông Thuân, thị trường chứng khoán Việt Nam là “cuộc chiến” giữa 9 triệu tài khoản cá nhân, trong đó 3-4 triệu nhà đầu tư cá nhân, với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vậy cần chăm lo về tính minh bạch thông tin, thúc đẩy các quỹ đầu tư trong nước để “đấu tranh” với NĐT nước ngoài.

Chuyên gia này cho biết, NĐT cá nhân trong nước cơ bản là rất ngại cắt lỗ, vè nhìn vào hành vi giao dịch thì họ cơ bản đang chịu lỗ (giai đoạn sóng từ 2021 và đầu 2024). Do NĐT nước ngoài đầu tư qua các quỹ, đầu tư lâu dài và cơ bản là qua các quỹ thì vẫn có lợi nhuận cao hơn VN-Index trong mấy năm qua bất chấp việc bán ròng mạnh. Điều này do chiến lược và hàn vi giao dịch cá nhân là một phần do tư duy “lướt sóng” như chúng ta đều biết.

Áp lực duy trì sau nâng hạng thị trường chứng khoán

FTSE Russell, đơn vị xếp hạng thị trường này đã khẳng định rằng Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng. Hai tiêu chí cần cải thiện bao gồm là việc gỡ bỏ yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding) và xử lý giao dịch không thành công (failed trade management).

Với tiêu chí cuối cùng để nâng hạng là xử lý giao dịch không thành công (failed trade management), theo bà Tạ Thanh Bình - Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), giải pháp áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CPP).

Liên quan đến vấn đề này, các quy định mới trong Luật Chứng khoán vừa được thông qua đã mở đường cho ngành chứng khoán tiếp tục triển khai các giải pháp nâng hạng theo tiêu chuẩn MSCI (khó đáp ứng hơn tiêu chuẩn của FTSE Russell).

“Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của VSDC, với định hướng đảm bảo sự ổn định của các khuôn khổ thể chế, một trong các công tác chiến lược VSDC cần thực hiện là việc thiết lập công ty con có chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở”, TS Tạ Thanh Bình cho hay.

Tổng giám đốc VSDC cũng nói thêm, trong quý III & IV/2024, cơ quan này đã tích cực tham gia góp ý, đề xuất bổ sung, chỉnh sửa Luật Chứng khoán và Nghị định 155 để chuẩn bị hướng tới thành lập công ty con thực hiện chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở. Đây là một bước đi cần thiết cho việc quản lý rủi ro thanh toán tổng thể thị trường và tiếp tục hướng tới các tiêu chí nâng hạng cho TTCK Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, quy định công bố thông tin tiếng Anh và việc áp dụng đồng bộ theo lộ trình sẽ từng bước cải thiện tiêu chí minh bạch.

TS Tạ Thanh Bình.

Bên cạnh FTSE, Việt Nam cũng theo đuổi mục tiêu nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của MSCI. Đối với bộ tiêu chí của MSCI Global, tới tháng 6/2024 vừa qua, TTCK Việt Nam đã đáp ứng 10/18 tiêu chí.

TS Tạ Thanh Bình khẳng định, với những cải cách về thể chế, thị trường sẽ đón nhận dòng vốn lớn đổ về. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về sức ép lên hệ thống với khối lượng, giá trị giao dịch lớn, tần suất giao dịch nhanh hơn. Trường hợp nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận một dòng vốn đầu tư lớn vào khối thị trường mới nổi. Dòng vốn này có thể mang tới khối lượng giao dịch có giá trị lớn, với tần suất giao dịch có thể thường xuyên và liên tục hơn, có thể gây ra áp lực không nhỏ đối với hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ, thanh toán. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến chuyển đổi ngoại tệ có đủ sức đáp ứng lượng giao dịch lớn nhưu vậy hay không.

TS Tạ Thanh Bình cũng nói thêm, áp lực duy trì nâng hạng khi đã đạt tiêu chí xếp hạng mới cũng sẽ là một thách thức đối với các bên liên quan.

Theo TS Tạ Thanh Bình, rất nhiều thị trường chứng khoán đang cùng lúc có nhiều biến động lớn, chẳng hạn như thị trường chứng khoán Pakistan đang ở mức thị trường mới nổi đã bị xem xét đưa xuống thị trường cận biên, đồng thời gặp phải biến động chính trị nội bộ. “Đây chính là những thách thức thực tế mà chúng ta cần phải đối mặt và đưa ra kịch bản để giải quyết”, bà nhấn mạnh.

L. Anh