Gần 45 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể 5 tháng qua

31/05/2019 11:29 GMT+7
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tại Việt Nam trong 5 tháng qua tiếp tục gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước ước khoảng gần 45 nghìn doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có hơn 19.000 doanh nghiệp, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp chờ giải thể là hơn 19.300 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là hơn 6.300 doanh nghiệp, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động bằng 60% doanh nghiệp thành lập mới

Theo cơ quan của Bộ KH&ĐT, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có chiếm 40%, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm, xây dựng...

Ở chiều ngược lại, thời gian gần đây doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng khá cao, hơn 54.000 doanh nghiệp thành lập mới, con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trong khi đó, cả nước có hơn 19.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 50% so với năm trước. Tổng lượng doanh nghiệp lập mới và quay trở lại hoạt động đạt hơn 73.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tăng cao gây lo ngại cho môi trường đầu tư bởi số doanh nghiệp chết lâm sàng bằng 60% số doanh nghiệp lập mới, quay trở lại hoạt động.

Hiện các quy định, thủ tục hành chính vẫn được xem là khó khăn cản trở sự gia nhập và hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam, khiến số lượng doanh nghiệp khó khăn phải rời bỏ thị trường tăng cao.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong tháng 3/2019 đã khẳng định, các nút thắt về thủ tục hành chính, chi phí không chính thức đã và đang làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn, số lượng doanh nghiệp phá sản cũng một phần từ thị trường có cạnh tranh lớn.

Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, quý 2 năm 2019 Chính phủ yêu cầu cắt giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cải cách thực chất cắt giảm điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công mức độ 4, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.... Điều này góp phần giảm bớt trở ngại, khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục