Gần bầu cử, nông dân Mỹ bất ngờ phản đối chính sách xa rời Trung Quốc của ông Trump
“Tổng thống đã hứa hẹn về các thỏa thuận thương mại đem lại lợi ích (cho nông dân Mỹ), nhưng chẳng có gì thành hiện thực. Điều chúng tôi không lường trước được là ông ấy sẽ phá vỡ tất cả mối quan hệ thương mại mà nông dân Mỹ xây dựng trong 3 thập kỷ qua, đặc biệt là Trung Quốc” - ông Christopher Gibbs bày tỏ sự thất vọng trong cuộc trò chuyện với tờ Nikkei Asian Review.
Năm 2016, chính sách hỗ trợ nông nghiệp và những hứa hẹn với người nông dân Mỹ đã biến thành nguồn lực lớn đưa Trump đến chiến thắng kịch tính trong cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và xung đột Mỹ - Trung đã đưa nông dân Mỹ vào tình cảnh khó khăn.
Mới đây nhất, phản ứng của chính quyền Trump trong vụ dịch Covid-19 cũng nhận về nhiều chỉ trích, hệ lụy từ cuộc khủng hoảng đại dịch đưa kinh tế Mỹ vào nguy cơ suy thoái. Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới chỉ chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc.
Tuần trước, 38 nông dân từ 6 bang nông nghiệp là Iowa, Minnesota, Wisconsin, Michigan, Ohio và Pennsylvania đã phát động một chiến dịch mang tên Nông thôn Mỹ 2020. Chiến dịch này nhằm nêu lên tiếng nói của cộng đồng nông thôn, truyền bá thông tin về những thất bại của nông nghiệp Mỹ dưới thời chính quyền Trump.
Nông thôn Mỹ 2020 cũng khuyến khích người nông dân trên khắp đất nước chia sẻ những câu chuyện của chính họ về những bất bình với chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Phần lớn sự thất vọng của người nông dân liên quan đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết hồi tháng Giêng, trong đó Bắc Kinh cam kết mua thêm hàng chục tỷ USD nông sản Mỹ. Nhưng cho đến nay, các dữ liệu thống kê chỉ ra rất khó để Bắc Kinh đáp ứng được cam kết này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế.
“Cho đến nay, người Trung Quốc đang không bắt kịp và có vẻ sẽ rất khó để đạt đến doanh số nhập khẩu nông sản Mỹ mà họ đã cam kết” - ông Gibbs nhận định về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. “Họ (quan chức chính quyền Trump) đã đặt tất cả trứng vào một giỏ, họ đặt tất cả hy vọng vào việc nối lại thương mại với Trung Quốc vốn đã ngừng trệ suốt 2 năm qua (bằng thỏa thuận giai đoạn 1)”.
Một số nông dân Mỹ đang nuôi hy vọng bán nông sản vào mùa thu, vốn là mùa Trung Quốc tăng cường nhập khẩu. Joel Schreurs, một nông dân trồng đậu nành tại khu vực tây nam Minnesota, cho biết: “Chúng tôi đang chờ mùa thu năm nay. Thông thường, Trung Quốc sẽ mua khối lượng đậu nành lớn nhất trong hoặc ngay sau vụ thu hoạch của chúng tôi”.
Nhận định về các chính sách nông nghiệp của chính quyền Trump, ông Joel Schreurs cho hay: “Đó là điều đáng lo ngại, nhưng ta phải tin rằng tất cả các nhà chức trách đều kỳ vọng những lợi ích tốt đẹp nhất cho người Mỹ”.
Nhưng một số chuyên gia đã tỏ ra hoài nghi. Edward Alden, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định: “Có nhiều dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện cam kết tăng mua nông sản, nhưng điều đó đơn giản là bất khả thi trong môi trường kinh tế như hiện nay. Những mục tiêu (trong nội dung thỏa thuận) là không thể đạt được, ngay cả khi không có sự bùng phát đại dịch”.
Tính đến hết quý I/2020, đã có 627 trang trại gia đình tại Mỹ nộp đơn phá sản, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Wisconsin, một bang nổi tiếng với ngành nông nghiệp sản xuất sữa và nhân sâm, dẫn đầu số lượng các vụ phá sản.
Darin Von Ruden, một nông dân chăn nuôi bò sữa tại Westby, phía tây Wisconsin cho hay: “Nếu nhìn lại 3 năm qua, chúng tôi đã mất tới hơn 2.000 trang trại bò sữa ở bang Wisconsin… Chính quyền Trump thực sự đã làm trầm trọng những vấn đề. Chúng tôi không thể bán sữa với mức giá tối thiểu cần thiết để duy trì trang trại hoạt động”. Dan Smith, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành mạng lưới hợp tác xã nông nghiệp Mỹ nhấn mạnh sản lượng sữa tại Mỹ hiện đã vượt xa nhu cầu trong nước, do đó các thị trường như Trung Quốc là vô cùng cần thiết với nông dân nuôi bò sữa Mỹ.
Wisconsin cũng là bang nổi tiếng với nhân sâm Mỹ, sản lượng khoảng một triệu pound mỗi năm. Gia đình Will Hsu đã trồng nhân sâm ở bang này từ năm 1978 đến nay. Sản phẩm nhân sâm được xuất khẩu rất nhiều sang Trung Quốc, theo ông Hsu. Nhưng trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung và dịch Covid-19 bùng nổ, kim ngạch xuất khẩu nhân sâm sang Trung Quốc đã giảm một nửa. “Nếu không thể tiếp cận với các khách hàng Trung Quốc, những người có nhu cầu tiêu thụ nhân sâm thì đồng nghĩa với việc chúng tôi đã mất đi thị trường quan trọng nhất”.
Việc làm mất lòng tin của nông dân có thể sẽ đưa Trump vào tình thế xấu trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Theo một cuộc thăm dò của Fox News được công bố vào tháng 6, sự ủng hộ của các khu vực nông thôn đối với chính quyền Trump đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Năm 2016, Trump có lợi thế 32% phiếu bầu ở khu vực nông thôn so với ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Năm nay, tỷ lệ ủng hộ của Trump xuống 9% so với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, một mức thấp kỷ lục khi so sánh với các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong vài thập kỷ qua.
Dee Davis, chủ tịch của Trung tâm Chiến lược Nông thôn có trụ sở tại Kentucky cho hay cư dân tại các vùng nông thôn đang có xu hướng già hơn và nghèo đi, do đó họ cần sự can thiệp của chính phủ cho đến khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Trump đã nhiều lần đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề cho nước Mỹ; nhưng cho đến nay chiến dịch “đổ lỗi” của Trump không giúp vị Tổng thống cứu vãn được tình thế.