Gemadept (GMD): Nhiều yếu tố cộng hưởng giúp quý I/2022 lãi ròng đạt 319 tỷ, tăng 85%
Lãi quý I/2022 của Gemadept tăng đột biến nhờ nhiều yếu tố cộng hưởng
Công ty Cổ phần Gemadept ( HoSE: GMD) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2022 với mức lợi nhuận sau thuế tăng tới 85% so với cùng kỳ năm trước, đạt 319 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 37,7% lên 40%.
Cụ thể, Quý I/2022, Công ty Cổ phần Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 880 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận gộp đạt 352 tỷ, tăng 36% và lợi nhuận thuần đạt 339 tỷ, tăng 91%. Lợi nhuận sau thuế đạt 319 tỷ tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tại Quý I/2022 chủ yếu đến từ hoạt động khai thác cảng, đạt tới gần 736 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 (chiếm 84% so với tổng doanh thu). Trong khi đó, doanh thu cho hoạt động Logistics, cho thuê văn phòng, khác chỉ chiếm 16% tổng doanh thu (đạt 144 tỷ đồng).
Tại ngày 31/3/2022, Tổng tài sản công ty cổ phần Gemadept cho thấy tăng 243 tỷ đồng (tương đương 2,3%) so với đầu năm, đạt gần 10.974 tỷ. Trong đó tăng trưởng mạnh nhất là các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 127 tỷ, đạt 969 tỷ đồng. Tài sản cố định đạt gần 3.198 tỷ, tăng 52 tỷ so với đầu năm; Đầu tư tài chính dài hạn đạt 2.994 tỷ, tăng 114 tỷ đồng. Còn lại các khoản khác có sự tăng giảm nhẹ không đáng kể.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Gemadept còn chi ra 45 tỷ đồng cho 2 cổ phiếu trên sàn UpCOM là TDS và MMC nhưng hiện tại tạm ghi lỗ 1,6 tỷ đồng.
Gemadept có kế hoạch thoái 24% vốn tại cảng nước sâu Gemalink
Sáng ngày 25/04/2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Gemadept đã được tiến hành thành công. Theo đó, Đại hội quyết định cổ tức cho năm tài chính 2021 bằng tiền tỷ lệ 12%.
Gemadept đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu hợp nhất 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 24% so với thực hiện trong năm 2021. Cổ tức kế hoạch 12% bằng tiền mặt.
Tại đại hội, Chủ tịch Đỗ Văn Nhân cho biết, kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng là phù hợp. Tuy nhiên, nếu điều kiện kinh doanh tốt hơn, chiến tranh Nga - Ukcraine sớm chấm dứt, đại dịch ổn định hơn, con số 1.200 tỷ đồng cũng có thể đạt được.
Gemadept sẽ đ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ. Theo đó, Gemadept sẽ chào bán tối đa là hơn 100 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 3:1 với giá phát hành dự kiến 20.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ của Gemadept sẽ tăng từ 3.013 tỷ đồng lên 4.108 tỷ đồng.
Số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành 2.000 tỷ đồng sẽ được Gemadept dùng để tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa (800 tỷ đồng); tăng vốn góp vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 (1.000 tỷ đồng); đầu tư mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh là (209 tỷ đồng).
Liên quan đến Cảng nước sâu Gemalink, lãnh đạo Gemadept cho biết, tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, thị phần của Gemalink chiếm 15%. Dự báo năm 2022, thị phần của Gemalink sẽ tăng lên 20% khi cảng hoạt động toàn công suất 1,5 triệu TEU. Khi cảng hoàn thành cả 2 giai đoạn, nâng công suất lên 3 triệu TEU thị phần của Gemalink sẽ lên 30 - 35%.
Vấn đề chuyển nhượng vốn Gemalink, ban điều hành Gemadept đang tiếp xúc nhiều nhà đầu tư, đối tác liên quan để chuyển nhượng 24% vốn Gemalink. Gemadept sẽ ưu tiên nhiều hơn với đối tác có hãng tàu. Chi tiết cụ thể về thương vụ sẽ được Gemadept thông báo khi có kết quả.
Phương Thảo