Giá cà phê bật tăng, nhiều yếu tố thuận lợi, chờ sự thay đổi lớn
Giá cà phê hôm nay 14/11: Đi ngang tại các tỉnh Tây Nguyên
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên không đổi trong phiên đầu tuần. Giá ở vùng trồng trọng điểm đa số trên mốc 40.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng, cao nhất là tại ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum. Tương tự, tỉnh Gia Lai cũng đang thu mua cà phê ổn định với mức giá 40.600 đồng/kg.
Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% ngày chốt tại 1.887 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London cộng 9 USD, tương đương 0,49% lên mức 1.836 USD/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất 15 tháng (1.788 USD/tấn) trong phiên trước đó. Giá Arabica kỳ hạn tháng 03/2023 trên sàn New York nhích 0,4 cent, tương đương 0,24% chốt ở 168,1 US cent/lb, rời khỏi mức thấp 15 tháng ở 160,45 US cent/lb trong phiên trước đó.
Tính chung cả tuần, giá Robusta giảm 1,77% và giá Arabica giảm 2,07%.
Giá cà phê có xu hướng hồi phục cuối tuần sau báo cáo Chỉ số số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ rất tích cực, hứa hẹn Fed sẽ giảm bớt sự thắt chặt chính sách tiền tệ tại kỳ họp sắp tới, đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ hàng hóa quay lại các thị trường mua vào.
Giá cà phê Robusta trên thị trường London tuần qua có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, các mức giảm đáng kể. Giá kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm tất cả 33 USD (giảm 1,77%), xuống 1.836 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê Arabica cũng có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, các mức giảm rất đáng kể khiến giá kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm tất cả 5,65 Cent (giảm 3,21%), xuống 170,10 Cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ hai ngày 7/11 đã tăng thêm 350 tấn, tức tăng 0,39% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 90.580 tấn (tương đương 1.509.667 bao, bao 60 kg).
Nổi bật trong tuần qua là các báo cáo xuất khẩu từ các nhà sản xuất và xuất khẩu lớn.
Tổng Cục Hải Quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê, chủ yếu là Robusta trong tháng 10 đạt 1,33 triệu bao, giảm 13,74% so với tháng trước, đưa xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2022 tăng 10,85% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu (Cecafé) Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê hạt trong tháng 10 chỉ đạt 3,17 triệu bao, giảm 5,39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cà phê Arabica đạt 3,06 triệu bao, tăng 3,29% và cà phê Conilon Robusta chỉ đạt 110.675 bao, giảm tới 71,63% so với cùng kỳ.
Giá cà phê có xu hướng hồi phục cuối tuần còn do thông tin thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần kích hoạt giá tăng do kỳ vọng vào nhu cầu hàng hóa sẽ tăng lên.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao loại 60 kg/bao, giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021. Trong đó xuất khẩu cà phê nhân xanh giảm 1,1%, xuống 116,1 triệu bao so với 117,2 triệu bao của niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê nhân xanh giảm là do sản lượng thế giới thấp hơn năm ngoái, với ước tính giảm 2,1% từ 170,8 triệu bao trong niên vụ 2020-2021 xuống còn 167,2 triệu bao trong vụ 2021-2022.
Nhưng đây vẫn là khối lượng xuất khẩu lớn thứ ba từ trước đến nay. Trước đó khối lượng xuất khẩu lớn nhất ghi nhận được là 121,3 triệu bao trong niên vụ 2018-2019.
Trái ngược với sự sụt giảm của cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đã tăng 6,1% trong niên vụ 2021-2022 lên 12,1 triệu bao. Qua đó nâng tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu lên 9,4%, mức cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay.
Brazil là nhà xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu đạt khoảng 3,9 triệu bao, tiếp theo là Ấn Độ 2,2 triệu bao, Indonesia ở vị trí thứ ba với 1,7 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê rang xay cũng tăng 5,0% trong niên vụ 2021-2022 lên 0,8 triệu bao.
Số liệu này cho thấy thương mại cà phê toàn cầu đang có sự thay đổi lớn với sự chuyển dịch từ cà phê nhân sang cà phê hoà tan và cà phê rang xay nhiều hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế và cà phê, giá bật tăng nhờ các yếu tố thuận lợi như lạm phát tại Mỹ giảm nhiệt, báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ khả quan hay Trung Quốc dần mở cửa, nối lại chuỗi cung ứng nguyên liệu. Tuy nhiên, thực tế giá cà phê thế giới tuần qua vẫn liên tiếp giảm điểm cho thấy có nhiều yếu tố không bền vững trong giao dịch cà phê.
Dự trữ Arabica được ICE chứng nhận đã tăng lên 454.056 bao hôm 11/11, tăng mạnh từ mức thấp nhất trong 23 năm là 382.695 bao chốt hôm 3/11. Một lượng lớn cà phê Arabica đổ vào các kho được ICE chấp thuận đã ảnh hưởng đến giá.
Ngân hàng đầu tư Rabobank dự báo toàn cầu có khả năng dư thừa cà phê trong niên vụ 2023/24 do dự kiến tiêu thụ sụt giảm bởi suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng, mặc dù vậy điều này vẫn còn khá xa.
Triển vọng giá cà phê tới đây sẽ ra sao?
Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới. Số liệu công bố cho thấy, GDP của Hoa Kỳ quý 3/2022 tăng 2,6% so với quý trước. Điều này sẽ góp phần giúp Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) mạnh tay trong việc nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tới. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm. Lãi suất tăng cao, sức tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dồi dào khi nhiều nước sản xuất cà phê chính bước vào kỳ thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ 2022/2023.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10 đạt 79.833 tấn, trị giá 206,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với trước.
Nhưng tính chung 10 tháng, xuất khẩu cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,4 triệu tấn, với giá trị lên đến gần 3,28 tỷ USD. Như vậy, mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã vượt 0,2 triệu USD so với 3,07 tỷ USD của cả năm 2021.
Năm 2022 được xem là một năm tương đối thành công của ngành cà phê Việt Nam khi sản lượng và giá bán đều đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, qua đó tiếp tục giữ vị thế số hai thế giới về xuất khẩu cà phê sau Brazil.
Về thị trường xuất khẩu, 10 tháng năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nga, Anh, Australia, New Zealand… đều tăng do nhu cầu tiêu dùng phục hồi, nguồn cung toàn cầu thắt chặt và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn, cùng với chi phí logistic tăng cao.
Riêng thị trường EU chiếm 38,7% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng qua với khối lượng đạt 551.610 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 19% về lượng và tăng 43,4% về trị giá.
Trong khối EU, ngoại trừ lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 9,4% các thị trường khác đều tăng mạnh như Bỉ tăng gấp 2,2 lần, Hà Lan tăng 2,5 lần, Tây Ban Nha tăng 37,3%, Italy tăng 8,9%...
Tuy nhiên, lạm phát tăng cao tại Liên minh châu Âu đang làm gia tăng lo ngại về triển vọng tiêu thụ cà phê tại khu vực này.
Bên cạnh EU, một số nước khác như Nga, Anh, Ấn Độ, Australia cũng tăng nhập khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng năm nay. Đặc biệt, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico tăng gấp 38 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 23.360 tấn.
Trái lại, lượng xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Angiêri, Trung Quốc... lại có xu hướng giảm.
Trong tháng 10, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam thiết lập mức đỉnh mới là 2.591 USD/tấn, tăng hơn 6% so với tháng trước và tăng 18,4% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được trong hơn 13 năm qua.
Luỹ kế 10 tháng, giá xuất khẩu cà phê đạt bình quân 2.300 USD/tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Mới đây, ngân hàng Rabobank dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ tăng ít nhất là 8% trong niên vụ 2023-2024 lên mức 68,5 triệu bao (loại 60 kg/bao), do thời tiết thuận lợi, mưa nhiều giúp cây cà phê phát triển tốt.
Trong năm nay, nông dân trồng cà phê của Brazil dự kiến sẽ sản xuất 63,2 triệu bao cà phê, trong đó 40,1 triệu bao arabica và 23,1 triệu bao robusta (được sử dụng phần lớn để làm hỗn hợp cà phê hòa tan).
Rabobank dự báo xuất khẩu cà phê trong năm tới của Brazil sẽ đạt khoảng 42-43 triệu bao, tăng so với mức 40 triệu bao của năm nay. Tiêu thụ nội địa của nước này dự kiến cũng sẽ tăng khoảng 500.000 bao, tương đương mức tăng trưởng khoảng 2%.
Trong khi đó, đồng USD tăng giá, lạm phát và lãi suất cao hơn ở Mỹ và ở châu Âu đang làm gia tăng lo ngại về triển vọng tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm tới.
7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cà phê của hầu hết các thị trường có dung lượng lớn tăng. Nhờ vậy, ngành cà phê Việt Nam cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với khó khăn, giá giảm xuống mức thấp, nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Nhiều khả năng các tháng cuối của năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường cà phê toàn cầu vẫn đối mặt với khó khăn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022/2023 tăng 7,8 triệu bao (tương đương mức tăng 4,7%) so với niên vụ 2021/2022, chủ yếu do vụ mùa Arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”. Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Brazil. Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn.