Giá cà phê bứt phá tuần qua, xu hướng đi lên trong tuần tới

29/01/2023 14:45 GMT+7
Giá cà phê kéo dài đợt tăng trong 2 tuần, với giá cà phê Arabica đạt mức cao nhất trong 3,5 tuần và Robusta đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Giá cà phê hôm nay dao động trong khoảng 42.200 - 42.800 đồng/kg. Cuối tuần, giá cà phê ghi nhận mức tăng 1.600 đồng/kg so với đầu tuần.

Giá cà phê hôm nay 29/1: Tăng hơn 1.500 đồng/kg trong tuần qua

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (ngày 27/1), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2023 tăng 59 USD (2,96%), giao dịch tại 2.053 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 54 USD (2,75%), giao dịch tại 2.016 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng tăng. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 2,05 Cent/lb (1,23%), giao dịch tại 169,2 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 2 Cent/lb (1,2%), giao dịch tại 169,3 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Giá cà phê bứt phá tuần qua, xu hướng đi lên trong tuần tới - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 29/01/2023 lúc 13:48:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê bứt phá tuần qua, xu hướng đi lên trong tuần tới - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 29/01/2023 lúc 13:48:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê bứt phá tuần qua, xu hướng đi lên trong tuần tới - Ảnh 3.

Giá cà phê bứt phá tuần qua, xu hướng đi lên trong tuần tới

Tại thị trường nội địa, giá cà phê trong nước duy trì đà tăng tại các tỉnh trọng điểm. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 1.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh giá lên mức 42.200 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Tiếp đến là tỉnh Kon Tum với mức giá 42.700 đồng/kg. Giá thu mua tại ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông hiện đang ở cùng mức 42.800 đồng/kg.

Giá cà phê thế giới kéo dài xu hướng tăng giá trong hai tuần qua, trong đó, giá cà phê Robusta đánh dấu chốt tuần bằng cú tăng vọt hiếm có.

Các nhà quan sát phân tích, sở dĩ giá tăng mạnh trên cả hai sàn chủ yếu là do các hoạt động kỹ thuật khi các Quỹ và đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước.

Trong khi đó, các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ với các dữ liệu tích cực đã hỗ trợ cho hầu hết các thị trường hàng hóa nói chung khi suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm lại đà nâng lãi suất USD tại phiên họp điều hành tiền tệ vào giữa tuần tới.

Dự kiến, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm mức tiêu thụ suy thoái vì các lệnh đóng cửa nghiêm ngặt để phòng chống covid-19 của nhiều quốc gia trên thế giới và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nỗ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Tuy nhiên, thị trường cà phê được dự đoán sẽ còn gặp khó khăn trong năm 2023. Giá cà phê chịu áp lực do nhu cầu yếu khi ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trong khi nguồn cung lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 dự kiến tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil.

Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ nhưng tăng ở Honduras và Colombia.

Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.

Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.

Tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60kg trong niên vụ 2022-2023 so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.

Theo các chuyên gia, dự kiến tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm mức tiêu thụ suy thoái vì các lệnh đóng cửa nghiêm ngặt để phòng chống dịch của nhiều quốc gia và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nổ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính trong 15 ngày đầu tháng 1/2023, nước ta đã xuất khẩu hơn 91,9 nghìn tấn cà phê, tương đương kim ngạch đạt hơn 202,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu khẩu cà phê giai đoạn 01/1 đến 15/1 đã giảm 20% về lượng và giảm 18% về giá trị.

Hiện Việt Nam đã kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày từ ngày 27/1 góp phần ổn định nguồn cung Robusta sau thông tin dự báo thị trường cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 sẽ thiếu hụt khoảng 5,6 triệu bao cà phê Robusta.

Trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục là quốc gia độc chiếm thị trường Robusta khi các nước cung ứng chính khác như Brazil và Indonesia chưa bước vào vụ thu hoạch.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2022 xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh 53,5% về lượng và tăng 39,7% về kim ngạch so với tháng 11/2022 nhưng giá giảm 9%, đạt 197.077 tấn, tương đương 425,16 triệu USD, giá trung bình 2.157,4 USD/tấn. Tính chung cả năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng 13,8% về lượng, tăng mạnh 32% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với năm 2021, đạt 1,78 triệu tấn, tương đương 4,06 tỷ USD, giá trung bình 2.281,7 USD/tấn.

Cà phê của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức trong năm 2022, chiếm 12,6% trong tổng lượng và chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 224.723 tấn, tương đương 473,61 triệu USD, giá 2.107,5 USD/tấn, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 13,2% về kim ngạch và tăng 14,2% về giá so với năm 2021; riêng tháng 12/2022 xuất khẩu đạt 31.614 tấn, tương đương 61,26 triệu USD, tăng 99% về lượng, tăng 85,5% kim ngạch so với tháng 11/2022.

Xuất khẩu cà phê sang Mỹ đứng thứ 2 thị trường, giảm 3,5% về lượng, nhưng tăng 11,7% kim ngạch, tăng 15,8% về giá so với năm 2021, đạt 129.347 tấn, tương đương 305,41 triệu USD, giá 2.361 USD/tấn, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Xuất khẩu cà phê sang thị trường Italia cũng tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với năm 2021, với mức tăng tương ứng 8,5%, 31,4% và 21,1%, đạt 139.271 tấn, tương đương 295,63 triệu USD, giá trung bình 2.122,7 USD/tấn, chiếm 7,8% trong tổng lượng và chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch.

Nhìn chung, trong năm 2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với năm 2021.

Giá cà phê bứt phá tuần qua, xu hướng đi lên trong tuần tới - Ảnh 4.

Xuất khẩu cà phê năm 2022. Tổng cục Hải quan

Giá cà phê bứt phá tuần qua, xu hướng đi lên trong tuần tới - Ảnh 5.

Xuất khẩu cà phê năm 2022. Tổng cục Hải quan

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục