Giá cà phê hai sàn tăng liên tiếp, cà phê nội lên cao nhất 42.000 đồng/kg

27/01/2023 13:01 GMT+7
USDX hồi phục sau báo cáo GDP quý IV/2022 của Mỹ tăng trưởng cao hơn mức dự kiến đã hỗ trợ giá cả hàng hóa, trong đó có cà phê đồng loạt hồi phục. Trong nước, giá cà phê hôm nay tăng ngày thứ ba liên tiếp, mức giá cao nhất tại thị trường nội địa hiện là 42.000 đồng/kg.

Giá cà phê ngày 27/01/2023: Hai sàn tăng liên tiếp

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 24 USD, lên 1.994 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 23 USD, lên 1.962 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tăng liên tiếp phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 4,70 cent, lên 167,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 4,65 cent, lên 167,50 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê hai sàn tăng liên tiếp, cà phê nội lên cao nhất 42.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 27/01/2023 lúc 12:00:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê hai sàn tăng liên tiếp, cà phê nội lên cao nhất 42.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 41.400 - 42.000 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 41.400 - 42.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 41.400 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Sau điều chỉnh, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đang có cùng mức giá 42.000 đồng/kg.

Giá cà phê hai sàn tiếp nối đà tăng và đã vượt các ngưỡng kỹ thuật quan trọng, sau báo cáo GDP quý IV tăng hơn mức dự kiến làm giảm tâm lý lo ngại nền kinh tế Mỹ suy thoái. Kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất USD ở mức thấp nhất tại phiên họp điều hành vào giữa tuần tới đã thúc đẩy hầu hết giá cả hàng hóa quay trở lại xu hướng tăng. Tuy nhiên dự kiến báo cáo Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) ra hôm nay sẽ phản ánh lạm phát Mỹ vẫn còn cao sẽ khiến các nhà đầu tư Phố Wall cần phải thận trọng với các tài sản có tính rủi ro cao.

So với mức thấp kỷ lục hơn 24 năm được báo cáo vào đầu tháng 11/2022, tồn kho cà phê Arabica của ICE – New York hiện đã tăng gấp đôi, ghi nhận có sự cải thiện đáng kể, trong khi tồn kho cà phê Robusta của ICE – London vẫn liên tục giảm từ 3 tháng qua, xuống đứng ở mức thấp 4,5 năm mà vẫn chưa thấy sự bổ sung nào đáng kể.

Tổng cục Hải Quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 1 đạt 91.952 tấn (khoảng 1,52 triệu bao), tăng 21,09% so với cùng kỳ năm trước, do đó, lũy kế khối lượng xuất khẩu 3,5 tháng kể từ đầu niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đạt tổng cộng 528.090 tấn (khoảng 8,80 triệu bao), tăng 36,34% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2022 xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh 53,5% về lượng và tăng 39,7% về kim ngạch so với tháng 11/2022 nhưng giá giảm 9%, đạt 197.077 tấn, tương đương 425,16 triệu USD, giá trung bình 2.157,4 USD/tấn. Tính chung cả năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng 13,8% về lượng, tăng mạnh 32% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với năm 2021, đạt 1,78 triệu tấn, tương đương 4,06 tỷ USD, giá trung bình 2.281,7 USD/tấn.

Cà phê của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức trong năm 2022, chiếm 12,6% trong tổng lượng và chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 224.723 tấn, tương đương 473,61 triệu USD, giá 2.107,5 USD/tấn, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 13,2% về kim ngạch và tăng 14,2% về giá so với năm 2021; riêng tháng 12/2022 xuất khẩu đạt 31.614 tấn, tương đương 61,26 triệu USD, tăng 99% về lượng, tăng 85,5% kim ngạch so với tháng 11/2022.

Xuất khẩu cà phê sang Mỹ đứng thứ 2 thị trường, giảm 3,5% về lượng, nhưng tăng 11,7% kim ngạch, tăng 15,8% về giá so với năm 2021, đạt 129.347 tấn, tương đương 305,41 triệu USD, giá 2.361 USD/tấn, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Xuất khẩu cà phê sang thị trường Italia cũng tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với năm 2021, với mức tăng tương ứng 8,5%, 31,4% và 21,1%, đạt 139.271 tấn, tương đương 295,63 triệu USD, giá trung bình 2.122,7 USD/tấn, chiếm 7,8% trong tổng lượng và chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch.

Nhìn chung, trong năm 2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với năm 2021.

Giá cà phê hai sàn tăng liên tiếp, cà phê nội lên cao nhất 42.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Thị trường cà phê năm 2023 được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Giá cà phê chịu áp lực do nhu cầu yếu khi ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trong khi nguồn cung lớn.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,2 triệu bao trong tháng 11/2022, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 và tháng 11/2022), thương mại cà phê toàn cầu đạt 19,6 triệu bao, tăng 1,6% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

Trong năm 2022, mặt bằng giá cà phê toàn cầu có xu hướng phục hồi mạnh trở lại so với năm 2021, nhất là trong giai đoạn thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên tới quý IV, giá cà phê giảm mạnh do chịu tác động bởi lãi suất tăng cao và tình hình suy thoái kinh thế giới.

Cuối năm 2022, thị trường cà phê toàn cầu đã giao dịch trầm lắng thời điểm trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2023. Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ từ thông tin về dữ liệu lạc quan của kinh tế của Mỹ.

Thị trường cà phê năm 2023 được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Giá cà phê chịu áp lực do nhu cầu yếu khi ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trong khi nguồn cung lớn.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục