Giá cà phê tiếp nối đà phục hồi, cà phê nội tăng tới 500 đồng/kg
Giá cà phê ngày 26/01/2023: tiếp nối đà hồi phục
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 27 USD, lên 1.970 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 25 USD, lên 1.939 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tăng liên tiếp phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 2,60 cent, lên 162,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 2,55 cent, lên 162,85 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 400 – 500 đồng, lên dao động trong khung 41.100 - 41.700 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng đang có mức giá 41.100 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Hiện tại, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đang có cùng mức giá 41.700 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn dao động mang tính thăm dò ngay từ đầu phiên do USDX đảo chiều liên tục. Chỉ khi USDX khẳng định xu hướng suy yếu đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi gia tăng sức mua hàng hóa nói chung, đã khiến giá cà phê tăng vọt vào cuối phiên. Tỷ giá đồng Reais tăng 1,13% lên ở mức 1 USD = 5,1420 R$ không khuyến khích người Brazil bán các loại hàng nông sản xuất khẩu. Nhất là do báo cáo tồn kho Robusta London vẫn còn đứng ở mức thấp 4,5 năm và lo ngại sản lượng Conilon Robusta chỉ đạt 17,51 triệu bao, giảm tới 3,8% so với năm trước, theo theo dữ liệu báo cáo khảo sát lần I của Conab – Brazil. Tuy nhiên, thị trường luôn cảnh giác vì báo cáo của Conab thường thấp hơn khoảng 5 – 8% so với thực tế.
Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết trong năm 2022, doanh thu từ xuất khẩu cà phê của nước này đạt 9,2 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Về khối lượng, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 39,35 triệu bao cà phê loại 60 kg trong năm 2022, giảm 3,1% so với năm trước đó.
Theo Chủ tịch Cecafe, doanh thu từ xuất khẩu cà phê của Brazil đạt kỷ lục dù khối lượng cà phê bán ra nước ngoài giảm sút là do giá cà phê trên thị trường quốc tế hiện ở mức cao nhất trong những năm gần đây.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu nước này cũng được hưởng lợi từ tỷ giá giữa đồng nội tệ real so với đồng USD.
Cecafe cho biết, Brazil xuất khẩu với giá trung bình 234,64 USD/bao cà phê trong năm 2022, tăng tới 52 % so với năm 2021 và là mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Giá cà phê tăng vọt đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Brazil giảm thiểu tác động từ những trở ngại trong vấn đề logistics, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt container chở hàng.
Cecafé cho hay các thị trường chủ chốt của cà phê Brazil trong năm ngoái vẫn là Mỹ, Đức, Bỉ, Italy, và Nhật Bản. Colombia là nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới nhưng lại là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Brazil.
Ở chiều ngược lại, cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến xuất khẩu cà phê của Brazil sang Đông Âu sụt giảm 45,3%, chỉ đạt 1,1 triệu bao.
Cà phê chè (Arabica) đạt kim ngạch cao nhất và chiếm 86,6% tổng lượng cà phê Brazil bán ra thị trường quốc tế, tương đương 34 triệu bao.
Với Việt Nam, xuất khẩu cà phê năm 2022 trị giá gần 4,06 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng 13,8% về lượng, tăng mạnh 32% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với năm 2021. Cụ thể: Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2022 xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh 53,5% về lượng và tăng 39,7% về kim ngạch so với tháng 11/2022 nhưng giá giảm 9%, đạt 197.077 tấn, tương đương 425,16 triệu USD, giá trung bình 2.157,4 USD/tấn. Tính chung cả năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng 13,8% về lượng, tăng mạnh 32% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với năm 2021, đạt 1,78 triệu tấn, tương đương 4,06 tỷ USD, giá trung bình 2.281,7 USD/tấn.
Cà phê của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức trong năm 2022, chiếm 12,6% trong tổng lượng và chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 224.723 tấn, tương đương 473,61 triệu USD, giá 2.107,5 USD/tấn, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 13,2% về kim ngạch và tăng 14,2% về giá so với năm 2021; riêng tháng 12/2022 xuất khẩu đạt 31.614 tấn, tương đương 61,26 triệu USD, tăng 99% về lượng, tăng 85,5% kim ngạch so với tháng 11/2022.
Xuất khẩu cà phê sang Mỹ đứng thứ 2 thị trường, giảm 3,5% về lượng, nhưng tăng 11,7% kim ngạch, tăng 15,8% về giá so với năm 2021, đạt 129.347 tấn, tương đương 305,41 triệu USD, giá 2.361 USD/tấn, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Italia cũng tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với năm 2021, với mức tăng tương ứng 8,5%, 31,4% và 21,1%, đạt 139.271 tấn, tương đương 295,63 triệu USD, giá trung bình 2.122,7 USD/tấn, chiếm 7,8% trong tổng lượng và chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch.
Nhìn chung, trong năm 2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với năm 2021.
Giới chuyên môn dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.