Giá cà phê còn bị "kẹt" trong xu hướng giảm

05/10/2022 17:01 GMT+7
Tháng 9/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm do đồng USD tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra. Trong nước, giá cà phê hôm nay (5/10) đồng loạt chững lại tại khu vực Tây Nguyên. Hiện tại, giá thu mua nội địa đang dao động trong khoảng 46.500 - 46.900 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay (5/10) đồng loạt chững lại tại khu vực Tây Nguyên

Giá cà phê hôm nay (5/10) đồng loạt chững lại tại khu vực Tây Nguyên. Hiện tại, giá thu mua nội địa đang dao động trong khoảng 46.500 - 46.900 đồng/kg.

Trong đó, Lâm Đồng là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất với 46.500 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng duy trì giao dịch cà phê với mức giá 46.800 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại tỉnh Đắk Lắk cũng ổn định tại mức 46.900 đồng/kg trong hôm nay.

Tháng 9/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm mạnh theo giá thế giới. Ngày 28/9/2022, giá cà phê Robusta giảm 1.900 đồng/kg so với ngày 29/8/2022, xuống mức thấp nhất 46.400 đồng/kg (tại tỉnh Lâm Đồng); mức cao nhất 47.000 đồng/kg (tại tỉnh Đắk Lắk); tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 46.900 đồng/kg.

Giá cà phê còn bị "kẹt" trong xu hướng giảm - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay (5/10) đồng loạt chững lại tại khu vực Tây Nguyên. Hiện tại, giá thu mua nội địa đang dao động trong khoảng 46.500 - 46.900 đồng/kg.

Tháng 9/2022, giá cà phê thế giới cũng tiếp tục giảm. Giá cà phê chịu áp lực do đồng USD tăng mạnh lên mức cao kỷ lục. Thị trường lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra, hàng vụ mới trong kho dồi dào trong khi kho lưu trữ hạn chế. 

Số liệu từ Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản Conab Brazil dự báo sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2022/2023 đạt 32,41 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ 2021/2022.

Trên sàn giao dịch London, ngày 28/9/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng tháng 11/2022, tháng 1/2023 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 99 USD/tấn (giảm 4,3%); 82 USD/tấn (giảm 3,6%) và giảm 79 USD/tấn (giảm 3,5%) so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 2.180 USD/ tấn, 2.178 USD/tấn và 2.152 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/9/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 14 Uscent/lb (giảm 5,8%); 15 Uscent/lb (giảm 6,6%) và giảm 17 Uscent/lb (giảm 7,3%) so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 224,35 Uscent/lb; 216,3 Uscent/lb và 211,5 Uscent/lb. 

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/9/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 7,9%, 8,2% và 2,3% so với ngày 29/8/2022, xuống còn 216,5 Uscent/lb; 262,4 Uscent/lb và 261,15 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.235 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 99 USD/tấn (tương đương mức giảm 4,2%) so với ngày 29/8/2022. 

Dự báo thời gian tới đà giảm giá cà phê sẽ tiếp tục diễn ra nhưng có phần chậm lại. Tính đến ngày 26/9/2022, tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn New York giảm 460.387 bao, mức thấp nhất trong 23 năm qua. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến vùng trồng cà phê của Việt Nam.

Trên các sàn giao dịch thị trường thế giới hôm qua, giá cà phê Robusta điều chỉnh đi ngang, sau nhịp tăng phục hồi nhẹ và trước đó là nhiều phiên giảm liên tiếp, khi dòng tiền đầu tư có xu hướng trở lại với hàng hóa, khi chỉ số USDX hạ nhiệt. Trong khi đó, về nguồn cung, theo điều chỉnh mới nhất của Công ty Cung ứng và dự báo nông sản quốc gia Brazil (Conab), Bộ Nông nghiệp Brazil, vụ thu hoạch của nguồn cung lớn nhất thế giới này đã hoàn tất, sản lượng Robusta ước đạt gần 18 triệu bao, tăng 10.3% so với vụ mùa trước.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số vẫn cho tín hiệu giá cà phê Robusta còn bị "kẹt" trong xu hướng giảm, nên 1 nhịp điều chỉnh tăng phiên chưa thể khẳng định được điều gì. Dự báo, trong ngắn hạn giá cà phê Robusta vẫn giằng co tích lũy, vùng 2.120 – 2.130 trở thành vùng hỗ trợ tiếp theo.

Thông tin sản lượng Arabica vụ mới giảm 3,1% so với vụ trước, xuống ở 32,4 triệu bao, theo Conab, có thể đã ảnh hưởng đến giá cà phê Arabica giao dịch trên sàn phái sinh. Tuy nhiên, thông tin thời tiết thuận lợi có thể đã là yếu tố ngăn cản đà tăng của mặt hàng này. Theo phân tích kỹ thuật, tín hiệu động lượng giảm giá của Arabica vẫn khá mạnh. Mức hỗ trợ 215 nếu bị thủng, thị trường sẽ hướng tới vùng hỗ trợ 210 – 212.

Theo đó, vùng trồng cà phê chính của Brazil Minas Gerais tuần trước đã có lượng mưa tốt, được cho là điều kiện thuận lợi cho việc ra hoa cà phê vào vụ mùa mới. Ngoài ra, nông dân Brazil vừa kết thúc vụ mùa thu hoạch, hứa hẹn sẽ cung ứng ra thị trường nguồn hàng thực dồi dào, nên giá cả cũng bị phản ánh bởi nguồn cung cả trong hiện tại và trong mùa vụ tới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 điều chỉnh nhẹ, giảm 1 USD (0,05%), giao dịch tại 2.172 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 đi ngang, giao dịch tại 2.163 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 12/2022 quay đầu tăng 2,9 Cent (1,34%), giao dịch tại 218,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 2,5 Cent/lb (1,21%), giao dịch tại 209,85 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Niên vụ mới, cán cân cung-cầu thị trường cà phê sẽ cân bằng, thậm chí dư thừa

Theo phân tích của các chuyên gia, chỉ số USDX và trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi và thúc đẩy giới đầu cơ sớm quay lại các thị trường. Tuần này, thị trường chờ dữ liệu về bảng lương phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ để tiếp tục có động thái với dòng tiền đầu cơ đối với đồng USD và các mặt hàng hàng hóa khác.

Theo cập nhật của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), nguồn cung cà phê niên vụ vừa qua có phần thiếu hụt với sản lượng khoảng 167,2 triệu bao (bao=60 kg) so với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu lên đến 170,83 triệu bao. Ước thị phần của Việt Nam chiếm khoảng 27 triệu bao (16%).

Tuy vậy, sang niên vụ mới, cán cân cung-cầu của thị trường sẽ cân bằng hẳn, thậm chí nguồn cung có vẻ dồi dào hơn nhờ vụ mùa bội thu của Brazil đã thu hái xong. Nếu ước sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ mới chừng trên dưới 30 triệu bao, thì chỉ hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới Brazil và Việt Nam đã chiếm khoảng 90 triệu bao, đủ để đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu.

Giá cà phê còn bị "kẹt" trong xu hướng giảm - Ảnh 2.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) dự báo nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam sẽ thiết lập được mốc xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD.

Đến thời điểm này, theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 100 nghìn tấn, trị giá 240 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 3,0% về lượng, nhưng tăng 11,3% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,35 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng 13,7% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 8/2022 và tăng 14,8% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.280 USD/tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cơ cấu chủng loại xuất khẩu: Tháng 8/2022 so với tháng 8/2021, xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica, cà phê Excelsa giảm, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến tăng. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa giảm. 

Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 8/2022 đạt 98,18 nghìn tấn, trị giá 195,93 triệu USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 5,5% về trị giá so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,11 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta sang hầu hết các thị trường chủ yếu, như: Đức, Ý, Bỉ, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Anh… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang một số thị trường khu vực châu Á giảm, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) dự báo nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam sẽ thiết lập được mốc xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD.

Giá cà phê còn bị "kẹt" trong xu hướng giảm - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Có thể nói, niên vụ cà phê 2022-2023 chính thức bước vào năm kinh doanh mới tính từ 1/10/2022 giữa những biến động phức tạp. Dịch Covid-19 có phần lắng dịu dù chưa được giải quyết dứt điểm, thị trường Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “Zero Covid”, Ngân hàng trung ương các nước tiêu thụ lẫn nước xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng nội tệ vì mục tiêu giảm đà lạm phát. Giá cả năng lượng và sinh hoạt tăng, chi phí đầu vào cho sản xuất như giá phân bón, vận tải còn cao… sẽ gây không ít khó khăn cho nhà vườn cà phê. Tóm lại, đầy khó khăn vẫn còn lơ lửng trong chuỗi cung ứng toàn cầu...

Về giá cước vận tải, dù cước đi hàng bằng containers có giảm khá mạnh, khoảng 50% nhưng so với trước đại dịch vẫn còn cao. Các nhà phân tích cho rằng, họ không kỳ vọng mấy vào chuyện giá cước tàu biển sẽ quay về mức trước đại dịch, phần nào do giá nhiên liệu tăng. Mức cước container bình quân năm 2019 cho hành trình xuyên Thái Bình Dương đến bờ Tây nước Mỹ là 1.500 USD/thùng thì nay vẫn còn cao hơn gấp đôi giá ấy. Tất cả có thể khiến giá cà phê còn bị "kẹt" trong xu hướng giảm...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục