Giá cà phê hai sàn lại tăng, cà phê nội trở lại ngưỡng 61.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 25/5: Cà phê nội trở lại ngưỡng 61.000 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 16 USD, lên 2.573 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 20 USD, lên 2.530 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo tiếp tục thu hẹp khoảng cách.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 0,55 cent, lên 188,00 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 0,55 cent, lên 185,75 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 400 – 500 đồng/kg, lên dao động trong khung 60.500 - 61.000 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 60.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 60.800 đồng/kg sau khi tăng 500 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk ghi nhận mức giao dịch là 61.000 đồng/kg, tương ứng tăng 400 đồng/kg và 500 đồng/kg. Đây là giá thu mua cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Giá cà phê kỳ hạn điều chỉnh sau phiên giảm mạnh trước đó do vẫn còn nguyên mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, trong khi các nước sản xuất chính vừa mới bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ cà phê 2023/2024. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) vẫn duy trì dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 7,3 triệu bao trong năm nay.
Trong khi đó, biên bản cứng rắn hơn của Fed đã góp phần khiến giới đầu tư ở Phố Wall thêm bi quan làm chứng khoán Mỹ sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba và USDX giảm thêm 0,34% so với đồng Reais đã đưa tỷ giá tăng lên ở mức 1 USD = 4,9540 R$ đã kìm hãm nhịp tăng củng cố của giá cà phê kỳ hạn.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) giữ nguyên dự báo thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thiếu hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Thời tiết khô hạn tại Brazil có thể giúp đẩy nhanh hoạt động thu hái cà phê của nước này. Cơ quan khí tượng Brazil đầu tháng 5 cho biết lượng mưa khu vực Minas Gerais 0,4 mm trong tuần kết thúc vào ngày 7 tháng 5, tương đương 6% so với mức trung bình lịch sử. Minas Gerais chiếm khoảng 30% sản lượng Arabica của Brazil.
Tại Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ 3 thế giới, mưa lớn kéo dài dấy lên lo ngại năng suất cà phê suy giảm. Hiệp hội các nhà xuất khẩu và công nghiệp cà phê Indonesia cho biết sản lượng cà phê năm 2023 của Indonesia sẽ giảm 20% so với năm trước xuống còn 9,6 triệu bao do thiệt hại do mưa quá nhiều trên các vùng trồng trọt.
Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng cà phê toàn cầu. Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ mới đây đã nâng khả năng xuất hiện hình thái thời tiết El Nino trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 lên 74% từ mức 61% một tháng trước. Nếu mô hình El Nino đó xảy ra, nó có thể mang lại mưa lớn cho Brazil và hạn hán cho Ấn Độ, tác động tiêu cực đến sản xuất cà phê.
Sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Với Colombia, sản lượng lượng cà phê trong tháng đầu năm 2023 đã không ghi nhận tăng trưởng sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp. Điều này khiến tổng sản lượng cà phê trong 12 tháng tính đến tháng 1/2023 của nước này giảm 10% xuống 11 triệu bao.
Còn tại Peru, tác động tiêu cực của thời tiết đối với sản xuất và xuất khẩu đã được đề cập trong các báo cáo gần đây. Mặt khác, tình hình chính trị bất ổn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của nước này.
Tính đến cuối tháng 4, dự trữ Arabica được chứng nhận trên sàn New York đã giảm 7,9% so với tháng trước, xuống còn 0,74 triệu bao (loại 60 kg/bao), trong khi dự trữ Robusta tăng 3,1% lên 1,31 triệu bao.
Thống kê của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (20/10/22 đến 20/3/2023) đã giảm 6,4%, tương đương 4,2 triệu bao so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 62,3 triệu bao.
Hiện cà phê nhân xanh vẫn chiếm hơn 90% thương mại cà phê toàn cầu, với 10,9 triệu bao được xuất khẩu trong tháng 3, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 56,3 triệu bao, giảm 6,1% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
Theo các nhóm cà phê nhân, các lô hàng Arabica khác đã giảm 17,1% trong tháng 3 xuống 2,1 triệu bao. Qua đó đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng âm kể từ đầu niên vụ cà phê mới. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này đã giảm 18,2% trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuống còn gần 8,9 triệu bao.
Xuất khẩu nhóm Arabica Brazil cũng giảm 13,5% trong tháng 3 và giảm 7,8% trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 18,6 triệu bao so với 20,2 triệu bao cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê Arabica Colombia giảm 17,4% trong tháng 3 và giảm 14,7% xuống 5,6 triệu bao trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Riêng Robusta xuất khẩu chỉ giảm nhẹ 0,8% trong tháng 3 xuống còn 4,7 triệu bao. Tuy nhiên, lũy kế trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023, xuất khẩu Robusta đã tăng lên 23,2 triệu bao so với 22,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022. Điều này đã giúp tỷ trọng cà phê Robusta trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 41,2% từ 37,3% của cùng kỳ niên vụ trước. Trái lại, tỷ trọng Arabica thu hẹp từ 62,7% xuống 58,8%.
Không chỉ sụt giảm ở mảng cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu giảm 6,5% trong tháng 3 xuống còn hơn 1 triệu bao. Tính chung 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023, tổng cộng 5,67 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu, giảm 8,8% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước. Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn duy trì ở mức 10,1%.
Về thị trường, Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với 0,32 triệu bao được xuất khẩu vào tháng 3 năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê đã rang tăng 5,9% trong tháng 3 lên 66.393 bao. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023, xuất khẩu cà phê đã rang đạt 358.640 bao, giảm so với 399.479 bao của cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu giảm ở hầu hết khu vực, ngoại trừ châu Á và châu Đại Dương. Trong tháng 3, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm 17,3% xuống chỉ còn 4,1 triệu bao. Chủ yếu do tổng xuất khẩu của ba nguồn cung cấp chính trong khu vực là Brazil, Colombia và Peru đã giảm 17,9%. Trong đó, xuất khẩu cà phê của Brazil và Colombia chứng kiến sự sụt giảm 14,3% và 19,2%, đạt lần lượt là 3,1 triệu bao và 0,9 triệu bao, tương ứng tháng tăng trưởng âm thứ tư của Brazil và thứ chín liên tiếp của Colombia.
Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafé) cho rằng vụ thu hoạch trái vụ và sản lượng thấp hơn trong hai vụ mùa liên tiếp 2020-2021 và 2021-2022 là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu của Brazil. Còn tại Colombia, nguồn cung tiếp tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, với sản xuất sụt giảm 10% trong tháng 3.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Peru trong tháng 3 vừa qua tiếp tục suy giảm mạnh 76,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết bất lợi và tình hình chính trị bất ổn tại các khu vực sản xuất chính đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xuất khẩu của nước này.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm xuất khẩu còn được lý giải là do mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái, khi đó đã có 4,6 triệu bao cà phê các loại đã được Peru xuất khẩu, tương ứng khối lượng xuất khẩu lớn thứ hai trong lịch sử của nước này, chỉ sau 4,7 triệu bao của niên vụ 2011-2012 và tăng 44,8% so với niên vụ 2020-2021.
Hơn nữa, trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Peru đã tăng vọt 245,8% và cán mốc 1 triệu bao, vượt xa 57,4% so với kỷ lục cũ là 0,64 triệu bao được ghi nhận trong quý I/2012. Với những con số kỷ lục này, dữ liệu quý I/2023 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi so sánh.
Xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Phi cũng giảm 5% xuống còn 1,12 triệu bao vào tháng 3. Luỹ kế trong 6 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại, tổng xuất khẩu của khu vực châu Phi là 6,35 triệu bao, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ.
Trong tháng 3, xuất khẩu cà phê của Bờ Biển Ngà và Kenya giảm lần lượt là 41,4% và 17,7%, xuống 0,12 triệu bao và 58.340 bao. Tuy nhiên, Burundi, Rwanda và Uganda lại tăng lần lượt là 86,7%, 249,2% và 2,0%.
Còn với khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê tháng 3 đạt 1,7 triệu bao, giảm 15,4% so với cùng kỳ. Đây đã là tháng sụt giảm thứ năm trong sáu tháng đầu niên vụ hiện tại. Kết quả là xuất khẩu của khu vực đã giảm 11,8% trong 6 tháng đầu niên vụ, đạt tổng cộng 5,8 triệu bao so với 6,5 triệu bao của cùng kỳ 2021-2022.
Trong tháng 3, Guatemala chịu sự suy giảm nặng nề nhất (-44,9%), trong khi Honduras là quốc gia lớn duy nhất có mức tăng trưởng dương (2,0%). Đối với Honduras, đây đã là tháng mở rộng thứ ba, sau 11 tháng giảm liên tiếp từ tháng 2 đến tháng 12/2022.
Ở chiều ngược lại, khu vực châu Á và châu Đại Dương là khu vực duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương từ đầu niên vụ đến nay. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực này đã tăng 0,2% lên 5 triệu bao trong tháng 3 và tăng 2,5% lên hơn 24 triệu bao trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Indonesia là động lực tăng trưởng chính của khu vực với xuất khẩu tháng 3 tăng 16% lên gần 0,6 triệu bao, bù đắp cho sự suy giảm lần lượt là 1,6% và 1,1% của Ấn Độ và Việt Nam. Sự gia tăng xuất khẩu của Indonesia trái ngược với dự báo mới nhất của ICO về triển vọng cà phê niên vụ 2022-2023 của nước này. Theo đó, ICO dự kiến sản xuất của Indonesia sẽ tăng với tốc độ chậm hơn mức tiêu thụ, 1,1% so với 5,1%, do đó làm giảm nguồn cung có sẵn cho xuất khẩu.
Vào đầu năm nay, Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia cũng đưa ra dự báo sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm 20% trong niên vụ hiện tại do mưa kéo dài tại các vùng trồng cà phê. Do đó, sự mở rộng xuất khẩu ở mức hai con số trong tháng 3 của Indonesia chủ yếu phản ánh tính chất thời vụ và mức nền so sánh ở mức thấp của cùng kỳ.