Giá cà phê tăng trở lại, sản lượng cà phê Việt Nam sẽ thấp hơn 20% so với dự báo

09/12/2022 14:47 GMT+7
Giá cà phê trong nước hôm nay 09/12/2022 giao dịch ở 40.200 – 41.000 đồng/kg. Hai sàn, giá cà phê có xu hướng trái chiều. Nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà đã hỗ trợ cho giá Robusta London vẫn đứng vững…

Giá cà phê hôm nay 9/12: Tăng 100 đồng/kg, cao nhất 41.000 đồng/kg 

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 không thay đổi, vẫn đứng ở mức 1.918 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 8 USD, lên 1.876 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 1,50 cent, xuống 158,70 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm thêm 1,50 cent, còn 159,40 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Giá cà phê trên cả hai sàn vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo ngại rủi ro có thể tăng cao trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế. Sàn London, giá cà phê Robusta không biến động ở kỳ hạn giao hàng tháng 1/2023. Trên sàn giao dịch New York, giá Arabica kỳ hạn tiếp tục kéo dài phiên giảm từ ngày hôm trước, giảm gần 1% trong phiên gần nhất.

Cho dù Chỉ số USDX tiếp tục sụt giảm, giúp hỗ trợ các tiền tệ mưới nổi lấy lại được giá trị, đã hỗ trợ giá cả nhiều loại hàng hóa tăng trở lại. Đồng USD suy yếu cũng đã góp phần kích thích quỹ cũng như đầu cơ quay lại thị trường để tăng mua, cùng với thông tin dễ chịu hơn từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin dữ liệu kinh tế của nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới này yếu hơn đã dội một gáo nước lạnh vào thị trường tiêu dùng. Chứng khoán Mỹ tiếp tục tiêu cực với việc nhà đầu tư cân nhắc lãi suất tiền tệ sắp tới và triển vọng suy thoái kinh tế đã khiến giá cà phê kỳ hạn đảo chiều giảm.

Nguồn cung cà phê Robusta bị hạn chế đã thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục mua vào là yếu tố đang tích cực hỗ trợ cho những phiên giao dịch gần đây. Trong khi đó, cà phê Arabica tiếp tục mất giá do lượng tồn kho trên sàn New York cao hơn. Ngoài ra, các tin tức thời tiết mới nhất đang cho thấy điều kiện thuận lợi để các vùng trồng cà phê Brazil tăng trường.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 40.200 – 41.000 đồng/kg. Hiện tại, các tỉnh trọng điểm trong nước đang thu mua cà phê trong khoảng 40.200 - 41.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.200 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đến là hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai với chung mức 40.900 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại Đắk Nông cũng tăng nhẹ lên mức 41.000 đồng/kg trong hôm nay.

Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 1.906 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Giá cà phê tăng trở lại, sản lượng cà phê Việt Nam sẽ thấp hơn 20% so với dự báo - Ảnh 1.

Tại thị trường nội địa, cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên nhích tăng, đưa mức giá cao nhất lấy lại mốc 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn có xu hướng trái chiều khi báo cáo tồn kho Arabica tại New York gia tăng trở lại, lên đứng ở mức cao 6 tháng, trong khi báo cáo tồn kho Robusta London tiếp tục sụt giảm, xuống đứng ở mức thấp mới 4 năm. Theo giới thương nhân, thị trường đang có xu hướng gia tăng tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà, trong khi lượng tiêu thụ tại các cửa hàng, quán giải khát có phần hạn chế hơn do thu nhập ngày càng thấp. Đây là yếu tố hỗ trợ cho giá cà phê Robusta London tiếp tục đứng vững.

Hiệp ước hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ việc phá rừng của EU có thể khiến cà phê Conilon Robusta từ Brasil khó nhập vào thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới sẽ là cơ hội cho cà phê Robusta nguyên liệu có xuất xứ từ Việt Nam.

Sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến giảm 1/5 trong niên vụ hiện tại do mưa kéo dài và mức dinh dưỡng thấp hơn đã ảnh hưởng tới chất lượng hạt cà phê, trong khi giao dịch tại Indonesia yếu do nguồn cung thấp. Trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 1,58 triệu tấn cà phê, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Hải quan.

Nông dân Việt Nam đã thu hoạch gần hết vụ cà phê và kết quả không khả quan lắm. Sản lượng sẽ thấp hơn 20% so với dự báo trước đó. Mưa trong tháng 11 đã cản trở việc thu hái và chế biến cà phê ở một số nơi trong khi cây bị thiếu dinh dưỡng do giá phân bón cao.

Theo một thăm dò của Reuters, Việt Nam dự báo đạt được 30 triệu bao cà phê (loại 60 kg) trong niên vụ 2022/23, giảm nhẹ so với vụ trước. Hoạt động giao dịch ảm đạm do người mua và người bán không đạt được thoả thuận về giá.

Tại Indonesia, cà phê Sumatran được chào bán ở mức cộng 100 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2023, tăng từ mức cộng 80 USD một tuần trước do hết hàng. Hầu như không có bất kỳ giao dịch nào vì nguồn hàng đang cạn kiệt. Hoạt động có thể cải thiện từ đầu năm tới.

Tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa ổn định. Ngày 28/11/2022, giá cà phê Robusta ổn định ở mức 41.000 - 41.600 đồng/ kg tại các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk; tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê Robusta tăng nhẹ 100 đồng/kg lên 41.600 đồng/kg.

Trong tháng 10, xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Hàn Quốc tăng gần 24% về giá trị so với cùng kỳ 2021 nhưng cà phê Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước sản xuất khác như Brasil, Colombia, Ethyopia, Quatemala.

Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt 25,55 nghìn tấn, trị giá 59,37 triệu USD, giảm 8,6% về lượng, nhưng tăng 30,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 20,36% trong 9 tháng đầu năm 2021 xuống còn 16,78% trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong khi đó, thị phần cà phê Việt Nam tại Trung Quốc lại giảm mạnh. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy giá trị nhập khẩu cà phê của thị trường này trong tháng 9 đạt 97,5 triệu USD, tăng 81% so với tháng 9/2021.

Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 528 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.

9 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các nguồn cung cà phê chính là Ethiopia, Colombia, Brazil, Italy, Việt Nam.

Trong tháng 9, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 6 cho Trung Quốc với kim ngạch 4,4 triệu USD, giảm 20% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 38,6 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 11,9% trong 9 tháng đầu năm 2021 xuống 7,3% thị phần trong 9 tháng năm 2022.

Trong các thị trường chính, Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu cà phê ở các thị trường như Ethiopia, Colombia, Brazil, Italy và giảm ở Việt Nam.

Trong tháng 9, Ethiopia là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Trung Quốc với giá trị nhập khẩu đạt trên 33 triệu USD, tăng 316% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Ethiopia đạt 134,78 triệu USD, tăng 183% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cà phê của Ethiopia trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhẹ từ 12,2% trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 12,5% trong 9 tháng năm 2022.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục