Thị trường xuất hiện tín hiệu khả quan, sớm thúc đẩy giá cà phê
Thị trường đi ngang, giá cà phê cao nhất đạt 41.100 đồng/kg
Giá cà phê ngày 5/12 duy trì trong khoảng 40.500 - 41.100 đồng/kg tại thị trường nội địa. Trong đó, mức giá cao nhất là 41.100 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông.
Hiện tại các tỉnh trọng điểm trong nước đang giao dịch cà phê trong khoảng 40.500 - 41.100 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.500 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đó là hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai với chung mức giá 41.000 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại tỉnh Đắk Nông cũng neo tại mức 41.100 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới tuần qua, tại thị trường London cà phê có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng tất cả 31 USD, tức tăng 1,867 %, lên 1.888 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 25 USD, tức tăng 1,37 %, lên 1.846 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, thị trường New York có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm tất cả 2,45 cent, tức giảm 1,48 %, xuống 162,60 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 1,95 cent, tức giảm 1,18 %, còn 163,20 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Nổi bật trong tuần là báo cáo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Mỹ tuy khá lạc quan với mức tăng 2,9%, nhưng mức lạm phát vẫn còn cao nên khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục nâng mức lãi suất tại phiên họp cuối năm, nhằm kìm chế lạm phát là không thể tránh khỏi, tuy giọng điệu của các quan chức thành viên đã có phần dịu bớt. Điều này đã thúc đẩy các Quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường mua vào đã hỗ trợ giá cà phê tăng.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) cho thấycác Quỹ Tài chính trong tuần qua đã chuyển sang vị thế mua ròng trở lại, tuy lượng bán ròng nằm trong tay họ vẫn còn cao do nhu cầu mua hàng đầu vụ mới.
Thị trường vẫn đang trông chờ báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần thứ nhất của Conab – Brazil.
Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ hai ngày 28/11 đã giảm 4.050 tấn so với 2 tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 85.520 tấn (tương đương 1.425.333 bao, bao 60 kg), ghi nhận một giai đoạn có mức giảm khá nhanh trên sàn cà phê kỳ hạn này.
Tháng 11/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế, hệ quả từ việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát của các Ngân hàng Trung ương lớn. Điều này tạo áp lực lên người tiêu dùng, chi tiêu cho các loại hàng hóa không thiết yếu bị cắt giảm. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, trong đó 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn thế giới là Hoa Kỳ và châu Âu, kinh tế rơi vào suy thoái.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/11/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng tháng 1/2023, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 0,4%, 1,8% và 2,3% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 1.857 USD/tấn; 1.821 USD/tấn và 1.808 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 7,7%, 6,7%, 6,3% và 6,0% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 165,05 Uscent/lb, 165,15 Uscent/lb, 164,75 Uscent/lb và 164,1 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 5,3%, 3,8%, 4,5% và 6,1% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 200 Uscent/ lb; 203,5 Uscent/lb; 204,25 Uscent/lb và 202,55 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.917 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 16 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,8%) so với ngày 28/10/2022.
Dự báo thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ chậm. Mặc dù vậy, thị trường cũng đã xuất hiện tín hiệu khả quan. Các Quỹ và đầu cơ quay lại mua vào khi báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) điều chỉnh giảm sản lượng niên vụ cà phê 2022/2023 của nhiều nước sản xuất chính vì thời tiết bất lợi.
Theo báo cáo, USDA điều chỉnh sản lượng Brazil giảm 2,6% xuống mức 62,6 triệu bao; sản lượng Columbia giảm 3,1% xuống mức 12,6 triệu bao; sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 2,2% xuống mức 30,22 triệu bao (bao gồm 29,20 triệu bao cà phê Robusta, giảm 4,20% so với niên vụ 2021/2022 và 1,02 triệu bao cà phê Arabica, tăng 7,27% so với niên vụ 2021/2022).
Tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa ổn định. Ngày 28/11/2022, giá cà phê Robusta ổn định ở mức 41.000 - 41.600 đồng/ kg tại các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk; tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê Robusta tăng nhẹ 100 đồng/kg lên 41.600 đồng/kg.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2022 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 29% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 tăng 2,6% về lượng và tăng 9,9% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.425 USD/tấn, giảm 6,4% so với tháng 10/2022, nhưng tăng 7,2% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.309 USD/tấn, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu chủng loại 10 tháng năm 2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê Excelsa. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê Robusta trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,26 triệu tấn, trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và tăng 35,7% về trị giá; xuất khẩu cà phê chế biến tăng 15,9%, đạt trên 541 triệu USD; xuất khẩu cà phê Arabica tăng 8,0% về lượng và tăng 70% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 49,75 nghìn tấn, trị giá 219,4 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 17,9% về lượng, nhưng tăng 9,8% về trị giá, đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá 4,38 triệu USD.