Giá cao su hôm nay 3/6: Liên tục tăng mạnh toàn thị trường
Giá cao su hôm nay 3/6 tăng mạnh trên 1% toàn thị trường châu Á
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 6/2022 ghi nhận mức 257,3 yen/kg, tăng 01,13% (tương đương 2,9 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 16h30 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2022 được điều chỉnh tăng lên mức 13.120 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,77% (tương đương 100 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó. Giá cao su các kỳ hạn tháng 7, 9, 10 đều có mức tăng mạnh trên 1%.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay tăng do đồng yen suy yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn khi mua bằng các đồng tiền khác.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại Thượng Hải vì Covid-19 đã làm dấy lên hy vọng nhu cầu cao su tự nhiên tăng trở lại.
Các công ty ôtô Nhật Bản dường như có lợi nhuận kỷ lục trong năm nay khi họ nâng giá xe và cắt giảm chi phí để giảm thiểu tác động từ lạm phát tăng cao.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn SICOM Singapore cũng tăng 0,2% lên mức 167,9 US cent/kg.
Trong nước, hiện giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh ổn định. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 310-350 đồng/TSC. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 340 đồng/TSC. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 305-315 đồng/TSC. Tại Gia Lai, giá một tấn mủ cao su đã trên 40 triệu đồng, điều này giúp thu nhập của các hộ dân trồng cao su tiểu điền và công nhân trong các doanh nghiệp cao su tại tỉnh Gia Lai được cải thiện.
Trong tháng 4, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 78 nghìn tấn, tương đương 141 triệu USD, giảm 30% về lượng và giá trị so với tháng 3. Tuy nhiên so với tháng 4/2021, xuất khẩu cao su vẫn tăng 26% về lượng và 28% về giá trị.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Nguyên nhân là Trung Quốc phong toả nhiều tỉnh, thành phố để ngăn chặn dịch Covid-19, khiến việc tiêu thụ lốp xe bị chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với cao su.
Trái với xu hướng giảm của thị trường Trung Quốc, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như Ấn Độ, Nga, Mỹ, Pakistan, Tây Ban Nha, Anh tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị so với tháng 4/2021.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng thị trường cao su có thể bị tác động bởi thiếu chất bán dẫn trong sản xuất ô tô, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.