Giá dầu cắm đầu lao dốc thủng mốc 20 USD, Trump - Putin mở ra cửa sáng
Giá dầu cắm đầu lao dốc, thấp nhất trong 18 năm
Kết thúc phiên giao dịch hôm 30/3, giá dầu WTI ngọt nhẹ giảm 6,6%, tương đương 1,42 USD/ thùng, xuống 20,09 USD/ thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002. Có thời điểm trong ngày, hợp đồng tương lai dầu WTI giảm hơn 9% xuống 19,27 USD/ thùng, thủng ngưỡng 20 USD.
Giá dầu Brent chuẩn quốc tế giảm 8,7% xuống mức 22,76 USD / thùng, mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2002 đến nay.
Nhu cầu dầu giảm mạnh do đại dịch Covid 19 đến cùng thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ hết hạn khiến nguồn cung dầu có nguy cơ tăng đột biến. Kể từ ngày 1/4, các quốc gia sản xuất dầu thuộc OPEC và đồng minh có thể sản xuất bao nhiêu dầu tùy ý mà không cần cân nhắc các hạn ngạch hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng nào khác. Và Arab Saudi là quốc gia tuyên bố tăng sản lượng dầu lên tối đa, khoảng 12,3 triệu thùng/ ngày trong một động thái thổi bùng cuộc chiến giá dầu với Nga. Nước này cũng lên kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ lên 10,6 triệu thùng/ ngày từ tháng 5 do nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ nội địa giảm, theo nguồn tin từ một quan chức trong Bộ năng lượng Arab Saudi.
Chịu sức ép từ cả cung và cầu, giá dầu được dự đoán sẽ còn giảm sâu hơn nữa dù giá dầu WTI ngọt nhẹ đã bốc hơi 55% trong tháng này và vừa xuyên thủng ngưỡng 20 USD/ thùng hôm qua.
Nhà phân tích John Freeman đưa ra một kịch bản tồi tệ hơn khi dự đoán giá dầu có thể chạm ngưỡng 10 USD/ thùng khi nguồn cung được đẩy lên tối đa còn nhu cầu dầu co hẹp mạnh mẽ vì dịch Covid-19. Bank of America cũng hạ dự báo giá dầu hôm 30/3 xuống 10-20 USD/ thùng trong những tuần tới, do kỳ vọng “nhu cầu dầu giảm mạnh nhất mọi thời đại”.
Rystad Energy , công ty sản xuất dầu mỏ của Mỹ dự kiến nhu cầu dầu có thể giảm 16 triệu thùng/ ngày trong tháng 4. Còn chuyên gia dầu mỏ Dan Yergin, phó chủ tịch IHS Markit thì đồng tình với dự đoán của Cơ quan năng lượng quốc tế về kịch bản tồi tệ hơn khi nhu cầu dầu giảm 20 triệu thùng/ ngày trong thời gian tới. Năm 2019, nhu cầu dầu thế giới bình quân đạt khoảng 99,67 triệu thùng/ ngày; theo ước tính của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC.
Trong bối cảnh như vậy, Plains All American Pipeline mới đây đã gửi thư cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ yêu cầu cắt giảm sản lượng dầu trong nỗ lực mong manh nhằm đưa giá dầu phục hồi phần nào, tờ Bloomberg đưa tin. Các nhà máy lọc dầu Châu Âu cũng hướng tới giảm sản lượng ít nhất 1,3 triệu thùng/ ngày, theo nguồn tin của Reuters.
Còn Mỹ cũng bắt đầu can thiệp khi giá dầu lao dốc không phanh, dự kiến gây thiệt hại nặng nề cho các công ty đá phiến Mỹ.
Mỹ - Nga đàm phán: cửa sáng cho giá dầu?
Trong phiên giao dịch sáng 31/3 trên thị trường châu Á, giá dầu đã chứng kiến sự phục hồi nhẹ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý thảo luận về các biện pháp ổn định thị trường năng lượng.
Giá dầu Brent tăng 0,19 USD, tương đương 0,8%, lên mức 22,95 USD / thùng vào 8 giờ sáng (giờ Hà Nội) sau khi đóng cửa ở mức 22,76 USD/ thùng trong phiên giao dịch đêm trên sàn chứng khoán Mỹ.
Giá dầu WTI tăng 0,59 USD, tương đương 2,9%, ở mức 20,68 USD / thùng sau phiên giảm xuống 20,09 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002.
Theo nguồn tin từ điện Kremlin, trong cuộc điện đàm hôm 30/3, hai nhà lãnh đạo đứng đầu Nga và Mỹ đã đồng ý để các quan chức năng lượng hàng đầu thảo luận về biện pháp ổn định thị trường năng lượng trong bối cảnh giá dầu xuống dốc không phanh.
Stephen Innes, chiến lược gia thị trường tại AxiTrader nhận định: “Tổng thống Trump đã chủ động gọi cho người đồng cấp Nga để thảo luận vấn đề dầu mỏ. Có lẽ đó là một phần nỗ lực kéo Nga vào bàn đàm phán với Arab Saudi, hoặc thậm chí là nới lỏng các lệnh trừng phạt với Nga”.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cũng có cuộc trò chuyện với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman trong nỗ lực tìm cách thuyết phục nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới cắt giảm sản lượng dầu thô. Mỹ dự kiến sẽ gửi đặc phái viên năng lượng Victoria Coates đến Arab Saudi để thúc đẩy các nỗ lực như vậy.
Tại thời điểm này, bất kỳ động thái tích cực nào giữa Nga và Arab Saudi sẽ hỗ trợ giá dầu mỏ đi lên. Nhưng không chắc liệu các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng giữa Mỹ và Nga có mang lại kết quả tiến bộ hay không, khi mối quan hệ giữa Washington và Moscow luôn là vấn đề nhạy cảm trong nhiều năm qua.