Giá dầu tiếp tục giảm trước quan ngại suy thoái

25/06/2022 07:09 GMT+7
Giá dầu Brent và WTI giảm lần lượt 1,5% và 1,8%. Nhà đầu tư gia tăng quan ngại suy thoái sau khi ông Powell khẳng định quyết tâm kéo giảm lạm phát của Fed.

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch 23/6 sau khi đích thân Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell xác nhận khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ sau những đợt tăng lãi suất liên tiếp.

Giá dầu Brent tương lai giảm 1,69 USD, tương đương 1,5%, xuống 110,05 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,92 USD, tương đương 1,8%, xuống 104,27 USD/thùng.

Ông Powell trước đó cho biết nhiệm vụ kéo giảm lạm phát là “vô điều kiện” và thị trường lao động vẫn tương đối “nóng”, làm gia tăng khả năng sẽ xuất hiện thêm nhiều đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.

“Nếu Mỹ và phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ bị tác động mạnh”, theo công ty tư vấn Andrew Lipow.

Giá dầu tiếp tục giảm trước quan ngại suy thoái - Ảnh 1.

Rủi ro suy thoái ngày một cao tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng cao cũng khiến cho nhu cầu dầu mỏ giảm xuống, theo Robert Yawger, Giám đốc khối hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, New York.

“Giá xăng trở thành chủ đề chính được bàn tán nhiều nhất”, Yawger chia sẻ. Ông bổ sung rằng giá xăng tại Mỹ vẫn còn dư địa tăng. Hiện tại, một gallon xăng có mức giá trung bình 4,94 USD, giảm 0,1 USD so với đỉnh, nhưng vẫn ở ngưỡng cao, theo Hiệp hội ôtô Mỹ.

Cuộc họp giữa Bộ trưởng năng lượng Jennifer Granholm và lãnh đạo các công ty dầu mỏ lớn tại Mỹ không mang lại một giải pháp căn cơ nào giúp kéo giảm giá nhiên liệu, theo một nguồn thạo tin.

Theo ước tính mới được công bố bởi American Petroleum Institute, dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ tăng trong tuần trước. Tuy nhiên, dữ liệu chính thức bị trì hoãn tới tuần sau do trục trặc kỹ thuật, theo Cơ quan Thông tin năng lượng.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tiếp tục bám sát kế hoạch gia tăng sản lượng của mình trong tháng 8, với kỳ vọng giúp kéo giảm giá dầu thô và lạm phát. Hồi đầu tháng, OPEC+ thống nhất tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong quý III, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu. Đây được dự báo là một nhiệm vụ khó khăn khi một số thành viên, đặc biệt là Nga và Libya, đang phải đối diện với nhiều bất ổn.

Kim loại quý

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch 23/6 trong bối cảnh đồng USD tăng giá sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ nhằm sớm kiểm soát lạm phát.

Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.822,64 USD/ounce tại thời điểm 18h28 giờ GMT. Giá vàng tương lai tại Mỹ giảm 0,5% xuống 1.829,80 USD/ounce.

Sau khi ông Powell khẳng định cam kết kéo giảm lạm phát của Fed là “vô điều kiện”, đồng USD đã quay trở lại xu hướng tăng giá, qua đó tác động tiêu cực tới giá vàng. Đồng USD tăng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng quốc tế.

Giá vàng đối diện với áp lực giảm trước chiến lược siết chính sách tiền tệ của Fed, theo Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals.

Thị trường vàng cũng chịu ảnh hưởng từ quan ngại giảm tốc nền kinh tế, tuy nhiên, đà giảm bị giới hạn do vàng là từ lâu luôn là một loại hình tài sản phòng ngừa rủi ro được ưa chuộng.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống ngưỡng thấp nhất gần 2 tuần. Thị trường lao động tại Mỹ vẫn tương đối nóng, thể hiện qua số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp sụt giảm trong tuần trước. Hoạt động kinh doanh tại Mỹ giảm mạnh trong tháng 6, theo kết quả một khảo sát.

Chuyên gia phân tích Xiao Fu tới từ Bank of China nhận định trong khi vàng hấp dẫn người mua bởi khả năng chống chọi suy thoái tốt, mức độ hấp dẫn của vàng giảm trong môi trường lãi suất cao.

Giá bạc giao ngay giảm 2,2% xuống 20,92 USD/ounce. Giá platinum giảm 2,4% xuống 904,60 USD/ounce. Giá palladium giảm 1% xuống 1.844,81 USD/ounce.

Theo NDH
Cùng chuyên mục