Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng lên, giá lúa gạo trong nước ra sao?

15/03/2022 17:18 GMT+7
Giá lúa gạo hôm nay (15/3) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ở mức ổn định, trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng lên.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng lên với mức tăng 5 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm hiện ở mức 413-418 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm 388-389 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 338-342 USD/tấn và Jasmine ở mức 508-513 USD/tấn.

Trong bối cảnh nhu cầu gạo tăng cao hơn, xung đột Ukraine-Nga còn diễn biến phức tạp khiến các khách hàng từ những nước khác thuộc châu Á đặt hàng gạo của Việt Nam nhiều hơn.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng lên, giá lúa gạo trong nước ra sao? - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Ảnh: CTV

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn (tăng mạnh 48,6% so với 2 tháng đầu năm 2021), thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%), giá trung bình đạt 481,5 USD/tấn (giảm 12%).

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo từ 6,2 - 6,5 triệu tấn, nhỉnh hơn so với năm 2020 và 2021, và hiện giá gạo xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng dần lên.

Cũng theo VFA, xuất khẩu gạo năm nay tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng. Tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định: Về thị trường xuất khẩu, hiện Trung Quốc đang có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo do giá trong nước tăng mạnh và thời tiết bất lợi. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng cao sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong thời gian tới, giá gạo xuất khẩu sẽ không giảm vì nhiều khách hàng đang có nhu cầu nhập khẩu. Hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để đàm phán hợp đồng xuất khẩu gạo.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo vào Trung Quốc năm 2021 đã cao nhất trong vòng vài năm gần đây và dự kiến tiếp tục rất cao trong năm 2022, nhất là đối với gạo tấm. Tỷ lệ gạo tấm nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2021 lên tới 52%, tăng mạnh so với khoảng 30% của năm 2020 và năm nay dự báo con số này có thể tăng lên tới gần 60%. Với 4,6-4,8 triệu tấn gạo cần nhập trong năm 2022, Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Về thị trường xuất khẩu khác, hiện các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc... nhu cầu nhập khẩu gạo bắt đầu cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và những bất ổn, căng thẳng chính trị hiện nay. Đây là cơ hội lớn cho ngành gạo Việt Nam.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU bị áp thuế 45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Khi EVFTA có hiệu lực, EU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). 

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm sau 5 năm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo tấm vào EU trong năm nay và các năm tiếp theo. Các doanh nghiệp hiện đang bắt kịp xu hướng sản xuất các loại giống chất lượng cao (gạo thơm, gạo hạt dài, gạo đặc sản) hướng tới thị trường cao cấp này. 

Gạo tuy không phải là thực phẩm chính tại EU, song thị trường này vẫn có nhu cầu nhất định với một số sản phẩm, đặc biệt là các loại gạo dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Hiệp định EVFTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho gạo Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn vẫn chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường tiềm năng này. 

Theo báo cáo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), giảm 0,9 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được USDA dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 49,5 triệu tấn (xay xát), tăng gần 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng giảm 2% so với mức kỷ lục của năm trước. Phần lớn sự suy giảm trong thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh và Việt Nam giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng lên, giá lúa gạo trong nước ra sao? - Ảnh 2.

Giá lúa gạo hôm nay (15/3) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ở mức ổn định.

Trong nước, giá lúa gạo hôm nay (15/3) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ở mức ổn định. Cụ thể: Giá gạo NL IR 504 ở mức 8.500 -8.550 đồng/kg; gạo TP IR 504 giá 9.100 đồng/kg.

Tại thị trường An Giang, các loại lúa gạo khác ổn định. Giá lúa nếp Long an (tươi) 5.300-5.500 đồng/kg; giá lúa IR 50404 5.400-5.600 đồng/kg; giá lúa Đài thơm 8 5.700-5.800 đồng/kg; Lúa OM 5451 5.600-5.800 đồng/kg; lúa OM 380 5.500-5.600 đồng/kg. Lúa OM 18 5.700-5.800 đồng/kg; nàng hoa 9 5.800-5.900 đồng/kg; gạo thường 11.000 – 12 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thơm Jasmine giá giảm 1.000 đồng/kg Xuống còn 14.000 – 15.000 đồng/kg. Các mặt hàng còn lại, giá ổn định. Cụ thể, nếp ruột 14.000 - 15.000 đồng/kg; Gạo thường 11.000 - 12.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Gạo Sóc thường 13.500 - 14.000 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 - 8.000 đồng/kg.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục