Philippines sẽ nhập khẩu gần 3 triệu tấn gạo, cơ hội cực lớn cho gạo Việt
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh tăng dự báo về nhập khẩu gạo của Philippines năm 2022 lên 2,9 triệu tấn, cao hơn so với dự báo trước đó là 2,5 triệu tấn.
USDA cho biết lý do điều chỉnh tăng là bởi “tốc độ nhập khẩu tiếp tục mạnh mẽ từ Việt Nam”.
Tương tự, USDA cũng điều chỉnh tăng dự báo về sản lượng gạo (quy xay) của Philippines lên 12,4 triệu tấn so với dự báo trước đó là 12,3 triệu tấn.
Dự báo về tiêu thụ cũng được nâng lên 14,95 triệu tấn, từ mức 14,85 triệu tấn dự báo trước đây.
USDA cho biết gần như toàn bộ mức tăng hàng trăm tấn gạo dự kiến điều chỉnh cho nhập khẩu vào Philippines năm 2022 sẽ đều đến từ Việt Nam, trùng khớp với nhận định của USDA về xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ tăng 200.000 tấn so với năm 2021, lên 6,4 triệu tấn.
Trong bối cảnh nhập khẩu gạo vào Philippnes đang gia tăng, Liên đoàn Nông dân Tự do Philippines (FFF) đã cảnh báo về khả năng giảm giá gạo trong vụ thu hoạch mùa khô tới, với lý do nhập khẩu gạo năm 2021 đã đạt 2,98 triệu tấn.
Philippines hiện dẫn đầu về tiêu thụ các loại gạo của Việt Nam trong tháng 1/2022, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 37,8% về lượng, tăng 20,6% kim ngạch nhưng giá giảm 12,5%.
Nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2021 ước tính đã tăng lên gần 3 triệu tấn, tăng mạnh so với 2,5-2,6 triệu tấn của năm trước đó, và nước này vẫn là nhà nhập khẩu lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Trong đó, có khoảng hơn 2 triệu tấn gạo là Philippines nhập từ Việt Nam.
Philippines có nhiều vụ lúa trong năm và chính phủ nước này thường sử dụng giấy phép nhập khẩu như một biện pháp quản lý nhập khẩu trước khi thu hoạch. Điều này đặc biệt phổ biến trước khi vụ thu hoạch chính của nước này bắt đầu vào giữa tháng 9, do đó nhập khẩu thường giảm sau khi bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Kể từ khi Philippines chuyển từ hệ thống hạn chế định lượng nhập khẩu sang luật thuế quan gạo vào tháng 2/2019, chính phủ đã phải cân bằng lợi ích kép của cả nông dân cũng như người tiêu dùng Philippines, và đã sử dụng nhiều công cụ chính sách khác nhau để đạt mục tiêu này.
Gạo là một loại cây trồng nhạy cảm về mặt chính trị và là lương thực chính ở Philippines, vì vậy chính phủ Philippines luôn chú trọng đến việc cân bằng nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước – hiện chiếm khoảng 85% tổng tiêu thụ gạo của nước này. Trong mọi tình huống, chính phủ vẫn đảm bảo rằng thuế quan một phần hỗ trợ các nỗ lực nâng cao sản xuất trong nước.
Sau năm 2021 tăng mạnh, nhập khẩu gạo của Philippines dự báo vẫn tiếp tục cao trong những năm tới. USDA cho rằng động thái Philippines tăng nhập khẩu gạo hoặc điều chỉnh chính sách nhập khẩu hầu như không thể tác động đến các nhà cung cấp gạo ở Tây bán cầu do chi phí vận chuyển giữa 2 điểm quá xa. Tuy nhiên, mỗi động thái của Philippines đều có tác động nhiều tới các nhà cung cấp châu Á, nhất là các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo tháng 1/2022 của USDA, sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), giảm 0,9 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.
Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được USDA dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.
Theo USDA, dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 đạt 48,8 triệu tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm trước. Trong đó, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 đạt 6,4 triệu tấn; Thái Lan đạt 6,5 triệu tấn, bằng năm 2021.
“Nhiều quốc gia tiêu thụ gạo lớn, trong đó có Trung Quốc tiếp tục tăng dự trữ gạo, tăng nhập khẩu từ nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Nhu cầu lương thực gia tăng do lo ngại dịch bệnh thúc đẩy giá gạo tăng”, USDA nhận định.
Tuy nhiên, rủi ro trong thương mại gạo quốc tế trong năm 2022 là tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận tải biển vẫn duy trì ở mức cao, khó thuê tàu, tình trạng hoãn, hủy chuyến tăng… sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, “ăn mòn” lợi nhuận, đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch thuê tàu sớm.
Được biết, giá lúa gạo nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay 3/3 ổn định. Giá gạo IR NL 504 ở 8.100- 8.150 ; Gạo TP IR ở mức 8.850 đồng/kg; tấm 1 IR 7.700 đồng/kg và cám vàng 7.750-7.850 đồng/kg.
Tại thị trường An Giang, giá lúa gạo hôm nay ổn định. Gạo thơm Jasmine 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thường 11.000 – 12 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái 18.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; gạo Nhật 20.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp, hôm nay lượng lúa gạo về ổn định. Các kho tiếp tục mua gạo IR 50404 nhiều. Thị trường giao dịch lúa gạo ổn định.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt cũng có xu hướng đi ngang. Hiện gạo 5% tấm đứng ở mức 403 USD/tấn; gạo 25% tấm giữ vững 378 USD/tấn; gạo 100% tấm 338 USD/tấn; gạo thơm Jassime 518 – 522 USD/tấn.